18/01/2025 | 20:19 GMT+7, Hà Nội

Rau không rõ nguồn gốc lại vào siêu thị Metro?

Cập nhật lúc: 21/04/2016, 09:56

Rau bán ra chợ Minh Khai và rau đưa vào siêu thị Metro chỉ khác nhau cái mác (!?). Thật khó tin nếu không tận tai nghe thấy lời thổ lộ này của ông chủ một cơ sở chuyên cung ứng rau an toàn (RAT) cho hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội.

Sản phẩm rau, củ, quả RAT của cơ sở sơ chế rau, củ, quả Nguyễn Thị Tưởng tại siêu thị Metro Thăng Long

Sản phẩm rau, củ, quả RAT của cơ sở sơ chế rau, củ, quả Nguyễn Thị Tưởng tại siêu thị Metro Thăng Long

Nhập rau, củ, quả không rõ nguồn gốc

Nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Tưởng (chủ cơ sở sơ chế rau an toàn Nguyễn Thị Tưởng), giới buôn rau ở huyện Mê Linh (Hà Nội) biết khá tường tận.

Bởi lẽ, rất ít người đưa được hàng vào siêu thị, mà lại là hệ thống siêu thị Metro. Lượng rau, củ, quả bà Tưởng nhập vào 3 cơ sở của hệ thống siêu thị này không tính bằng tạ mà tính bằng tấn. Chủng loại cũng rất đa dạng.

Cứ nghĩ, rau, củ, quả bày bán ở siêu thị phải được giám sát chặt chẽ trong suốt “vòng đời”, từ khi xuống giống đến lúc rời khỏi mặt đất, sơ chế, vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Nhưng, khi “hóa thân” thành xe ôm, nhân viên siêu thị nhập rau an toàn để điều tra hoạt động của cơ sở sơ chế rau do bà Nguyễn Thị Tưởng (tại khu 7, đội 3, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) làm chủ, những điều mắt thấy, tai nghe đã khiến chúng tôi lung lạc suy nghĩ đó.

Như thường lệ, khoảng 4 giờ chiều, chiếc xe tải mang BKS: 29C-64465 nhà bà Tưởng lại nổ máy, lăn bánh theo QL23 hướng về phía Trạm xăng dầu Phố Yên xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Điểm “ăn” hàng đầu tiên của chiếc xe tải là nơi tập kết nông sản của một người đàn ông tên là Năm (SN 1965) – một hộ buôn rau tại thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong).

Trước đó, hàng ngàn củ su hào được đóng trong túi nilon đã chờ sẵn. Cậu con trai của ông Năm cùng một thanh niên khác chuyển hàng lên thùng xe nhanh thoăn thoắt. Sau 10 phút dừng chân, chiếc xe tiếp tục lăn bánh về phía hồ Ba Góc (cách đó gần 1 km) để tiếp tục nhập rau của những người khác.

Sau 2 lần bắt chuyện, ông Năm tin chúng tôi là nhân viên một siêu thị sắp khai trương tại Thủ đô đang tìm nguồn thực phẩm để kinh doanh. Vị này giới thiệu từng có thâm niên cung ứng rau, củ, quả cho một siêu thị rất lớn ở đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong 2 năm (khi siêu thị này mới khai trương).

Việc hợp thức hóa thủ tục để đưa rau vào siêu thị cũng không phức tạp lắm, chỉ việc đăng ký thành lập một HTX thu mua nông sản, sau đó nhập rau của bà con trong vùng rau an toàn về đóng gói rồi bán. Mặc dù hợp đồng làm ăn với siêu thị, nhưng ông thừa nhận: chưa bao giờ phải nộp một đồng thuế bởi không đăng ký giấy phép kinh doanh.

Sau khi ngừng cung cấp rau cho siêu thị, ông Năm đánh xe nhập rau “thập cẩm” gồm các loại: su hào, bắp cải, hành tây, cà rốt, súp lơ, cải ngọt... chở xuống Cẩm Phả (Quảng Ninh) bán. Ông cũng là một trong những đầu mối cung ứng rau, củ, quả cho bà Nguyễn Thị Tưởng.

Nói về nguồn gốc xuất xứ các lô su hào xuất bán cho bà Tưởng, ông Năm sổ toẹt: “Mình mua trực tiếp của dân. Mình hỏi họ đánh thuốc (BVTV) được mấy hôm rồi. Nếu được 5 – 6 ngày thì mua. Còn nếu vừa phun được 1 – 2 hôm thì thôi”. Ông cũng thừa nhận: “Mình mua (su hào) ở ngoài vùng rau sạch. Ở đây không có rau sạch đâu”.

Là người thiên hạ đến làm ăn, sinh sống ở xã Tiền Phong, ông Năm không có đất sản xuất rau, củ, quả. Ông cũng thừa nhận rằng rau, củ, quả của gia đình mình kinh doanh không có giấy chứng nhận VSATTP, cũng không có giấy phép kinh doanh.

Rau chợ, rau siêu thị... là một

Vậy số nông sản trên sau khi được giao bán cho bà Nguyễn Thị Tưởng sẽ đi đâu? Chúng tôi đến xưởng sơ chế rau, củ, quả Nguyễn Thị Tưởng lúc trời nhá nhem tối. Tại khu sơ chế, 4 thanh niên đang tất bật rửa các loại rau, củ, quả rồi đóng gói trong túi lưới kèm theo nhãn mác.

Xe chở hàng của bà Nguyễn Thị Tưởng sau khi “ăn” hàng tại nhà ông Năm

Xe chở hàng của bà Nguyễn Thị Tưởng sau khi “ăn” hàng tại nhà ông Năm

Thấy chúng tôi giới thiệu là nhân viên siêu thị đang tìm nguồn rau để nhập, ông Xiêm (chồng bà Tưởng) hỏi: Siêu thị của anh có to bằng Metro không? Hàng của nhà này vào cả 3 cơ sở của hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Hà Nội. Riêng siêu thị Metro Thăng Long (Hà Nội) nhập nhiều nhất (từ 700 kg đến 1,2 tấn/ngày). Hai cơ sở còn lại nhập ít hơn (từ khoảng 2 – 3 tạ/ngày).

Các mặt hàng rau, củ, quả của gia đình bà Tưởng nhập cả của dân và của HTX, một phần bán cho siêu thị, một phần bán tại chợ đầu mối Minh Khai. Bà Tưởng khẳng định nguồn hàng rất ổn định, đa dạng về chủng loại (15 loại rau). “Anh mua 5 tấn (mỗi ngày) tôi cũng có khả năng. Tôi chẳng thiếu cái gì”.

Thông tin trên khiến chúng tôi choáng ngợp. Bởi, theo một bản thuyết minh về cơ sở vật chất, do chính bà Tưởng kê khai, thì xưởng sơ chế rau, củ, quả của bà Tưởng có tổng diện tích 100 m2, chỉ có công suất thiết kế 300 kg/ngày.

Các mặt hàng rau, củ, quả tại cơ sở của bà Tưởng được phân chia thành hai loại. Loại đóng trong túi lưới đưa vào siêu thị và không đóng trong túi lưới (bán tại chợ Minh Khai). Theo ông Xiêm, loại đóng túi chỉ chênh giá loại không đóng túi chi phí đóng gói và nhãn mác thôi.

Chúng tôi ngạc nhiên nên hỏi: Thế hàng đóng túi và hàng không đóng túi là một à? Ông Xiêm trả lời dõng dạc: “Ừ đúng rồi”. Nghe vậy, bà Tưởng đưa ánh mắt rất kỳ lạ về phía chồng rồi “chữa cháy”: “Hàng đưa vào siêu thị nhà tôi chủ yếu lấy ở HTX Thành Công (ở xã Vân Trì, huyện Đông Anh). Tôi là xã viên HTX ấy. Có đủ giấy tờ trong kia. Còn rau mang ra chợ chủ yếu do bà con làm ra”.

Để kiểm chứng lời bà Tưởng, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tiến Công (hơn 70 tuổi), Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Công. Ông Công cho biết, bà Tưởng đăng ký là xã viên HTX rau an toàn Thành Công được 2 năm nhưng không có diện tích sản xuất mà chỉ bao tiêu sản phẩm của HTX.

Quy mô của HTX Thành Công không lớn, gồm hơn 20 xã viên. Tổng diện tích trồng rau (kết hợp luân canh cấy lúa) là 2,2 ha tại thôn Nhì, xã Vân Nội.

“Mỗi ngày, chồng bà Tưởng mang xe máy xuống đây lấy khoảng 1 – 2 tạ rau của các xã viên trong HTX. Cũng có những buổi bà ấy không lấy, chứ không phải ngày nào cũng lấy. Còn bà ấy lấy thêm hàng khác ở đâu bán thì là việc của bà ấy. Chúng tôi làm sao mà quản được. Cho nên trong hợp đồng giữa HTX với bà Tưởng có ghi rõ là nếu xảy ra ngộ độc thì người bán hàng, tức là bà Tưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Công nói.

Nhiều lỗi sai

Vào ngày 20/1/2016, đoàn công tác của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đã kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Tưởng, và phát hiện rất nhiều lỗi sai của cơ sở này.

Cụ thể, khu phân loại nguyên liệu/sản phẩm của nhà xưởng chưa bố trí đủ diện tích để bảo quản sản phẩm. Dụng cụ, trang thiết bị phục vụ phân loại còn thiếu. Cơ sở chưa xuất trình được quy trình vệ sinh nhà xưởng; khu vực bảo quản sản phẩm chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống động vật gây hại.

Và, quan trọng hơn hết là bà Tưởng không thực hiện đầy đủ việc ghi chép và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chưa xuất trình được quy định về thực hành vệ sinh tốt (SOP).

Theo khảo sát của nhóm PV tại siêu thị Metro ngày 16/4 vừa qua, tất cả các sản phẩm rau, củ, quả do cơ sở của bà Nguyễn Thị Tưởng cung cấp đều ghi rõ thông tin và địa chỉ của nhà cung cấp là: Nguyễn Thị Tưởng, ĐC: xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ những mặt hàng trên không được thông tin.

Đáng chú ý, trong bản thuyết minh mô tả về sản phẩm của cơ sở sơ chế Nguyễn Thị Tưởng mà Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cung cấp cho chúng tôi vào đầu tháng 4/2016, có hai sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là khoai tây và hành tây.

Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của siêu thị Metro lại ghi tên hai sản phẩm này là: “Khoai tay Bac an toan” (khoai tây Bắc an toàn) và “Hanh tay Bac an toan” (Hành tây Bắc an toàn). Không hiểu đây chỉ là sai sót hay cố tình gian lận thương mại?

Quan điểm của siêu thị Metro ra sao về vụ việc này? Chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả trong các kỳ sau.

Sau khi xem những tư liệu do nhóm điều tra cung cấp, lực lượng QLLT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh nông sản, lương thực, thực phẩm, rau củ quả tươi của bà Nguyễn Thị Tưởng.

Tại đây, chủ cơ sở khai nhận chỉ có hợp đồng thu mua rau, củ, quả với HTX rau an toàn Thành Công để đưa vào siêu thị Metro. Tuy nhiên, những ngày thiếu hàng, bà Tưởng lại nhập rau ở các HTX và những người buôn rau khác. Những giao dịch hàng hóa trên hoàn toàn không có giấy tờ mua bán và truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa mà chủ yếu dựa vào niềm tin.

Năm 2015, Báo NNVN cũng đã có loạt bài điều tra “Hàng loạt siêu thị lớn Hà Nội "bị lừa" bán rau không rõ nguồn gốc...”, lật tẩy mánh khóe Cty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, trong đó có siêu thị Metro.