Rào cản khiến sản phẩm khởi nghiệp khó vào siêu thị
Cập nhật lúc: 20/11/2021, 06:40
Cập nhật lúc: 20/11/2021, 06:40
Vì sao sản phẩm khởi nghiệp lẻ bóng ở siêu thị?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt vào hệ thống phân phối bán lẻ không ngừng tăng những năm qua, ở các siêu thị trong nước là 90% còn hệ thống phân phối nước ngoài là 70%.
Tại Hội thảo Kết nối tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo (startup) vào hệ thống phân phối bán lẻ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần tiếp cận và kết nối, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, 5 năm qua, làn sóng khởi nghiệp lan rộng trong nhiều lĩnh vực, không ít doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm... được thành lập, bước đầu thâm nhập vào hệ thống siêu thị phân phối hiện đại như Lotte, Vinmart, Co.opmart.
Nhưng doanh nghiệp startup còn yếu về khả năng thâm nhập phát triển thị trường, việc tham gia của họ vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại không dễ khi quy mô còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã sản phẩm khi muốn đưa hàng lên kệ siêu thị.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ, nhận định: "Doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm muốn tìm chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại, siêu thị là chuyện không dễ dàng".
Bên cạnh đó, người dân ở tất cả các nhóm thu nhập đều có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của thực phẩm.
Thực tế cho thấy khi đời sống càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm không chỉ đa dạng, thẩm mỹ mà thực sự có chất lượng cao.
“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, siêu thị kiên quyết ngưng kinh doanh với những đơn vị không tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm”, đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh tại hội nghị.
Theo ý kiến các DN phân phối, các sản phẩm của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo muốn đưa vào siêu thị, DN cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng. Đặc biệt, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng để đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối, giúp hàng hoá tiêu thụ tốt hơn, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Giải pháp đưa sản phẩm khởi nghiệp vào siêu thị và các kênh phân phối
Kết nối là giải pháp ổn định đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp hàng hoá được tiêu thụ với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Tương tự, DN cũng có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển sản phẩm một cách bền vững.
Bên cạnh đó, DN cần chú ý đến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, định hướng hoạt động marketing phát triển sản phẩm; theo dõi phản hồi của khách hàng để kịp thời có những cải tiến, thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đồng thời, bà Lại Đỗ Phương Vi, Giám đốc Hợp tác chiến lược Smartlog Việt Nam bổ sung thêm, các DN cũng cần đầu tư, xây dựng một nền tảng logistics phục vụ DN đưa hàng hóa vào hệ thống kênh siêu thị một cách thuận lợi nhất.
Được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kết nối cung cầu hàng hoá của các doanh nghiệp vào siêu thị và các kênh phân phối.
Cùng với đó, Bộ sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hoá đến với các doanh nghiệp nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.
Nguồn: https://congly.vn/rao-can-khien-san-pham-khoi-nghiep-kho-vao-sieu-thi-199437.html
14:06, 15/11/2021
07:30, 07/11/2021
16:03, 05/11/2021