19/01/2025 | 13:11 GMT+7, Hà Nội

Rà soát để bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp

Cập nhật lúc: 29/12/2021, 09:18

Sáng 28/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Thường trực HĐND TP tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn.

Sáng 28/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Thường trực HĐND TP phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn TP” đối với các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm và các Sở KH&ĐT, TN&MT, QH - KT. Đồng chủ trì buổi giám sát có Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên.

Kiến nghị nhiều vướng mắc

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, với tinh thần linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn đại biểu QH Hà Nội và Thường trực HĐND TP cùng chủ trì phối hợp, giám sát trực tiếp 3 quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm và 3 Sở KH&ĐT, TN&MT, QH - KT chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn TP”.

Mục đích là nhằm để xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của pháp luật. Qua giám sát sẽ làm rõ những tồn tại, hạn chế là do nguyên nhân quy định của pháp luật hay do việc tổ chức thực hiện. 

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tiến độ lập quy hoạch, chất lượng quy hoạch chưa cao, tác dộng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó sẽ có kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Quy hoạch.

Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo các quận, huyện đã nêu kết quả thực hiện những quy hoạch tại địa phương từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực từ 1/1/2019 đến nay. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trên địa bàn huyện đã có 4/6 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt (N9, N10, N11, GN) còn 2 đồ án chưa được duyệt là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5), Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6).

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 đồ án quy hoạch chi tiết và 30 quy hoạch tổng mặt bằng trong khu vực quy hoạch phát triển đô thị. Huyện đang khẩn trương tổ chức thực hiện lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị, huyện đang tổ chức nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 9 xã song song với với quá trình nghiên cứu lập quy hoạch vùng huyện.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Ngô Ngọc Vân nêu, diện tích đã được lập quy hoạch phân khu của quận Bắc Từ Liêm là hơn 3.822ha, chiếm khoảng 84,5% diện tích toàn quận. Phần diện tích còn lại thuộc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được phê duyệt. Về quy hoạch chi tiết, tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha, chiếm khoảng 22,3% diện tích. Trong giai đoạn vừa qua quận đã tổ chức lập và phê duyệt được 26 tổng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng.

Rà soát để bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp
Rà soát để bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp

Đối với quận Hoàng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Thanh Tùng cho hay, quận Hoàng Mai nằm trong ranh giới 5 phân khu đô thị, trong đó UBND TP đã phê duyệt 4 phân khu gồm GS, S5, H2-3, H2-4. Còn lại quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được UBND TP xin ý kiến các Bộ Xây dựng, NN&PTNT trước khi phê duyệt. Về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, từ 1/1/2019 đến nay trên địa bàn quận đã có 26 quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt. Đây là cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, lãnh đạo nhiều quận, huyện cũng nêu lên một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy hoạch. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị với TP, Bộ Xây dựng như: Sớm phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; TP sớm có cơ chế, chính sách xây dựng cải tạo lại các khu chung cư cũ xuống cấp; cho phép nâng tầng cao trường học tại các khu đông dân cư; Có các giải pháp đảm bảo diện tích phù hợp, tránh việc chủ đầu tư biến tấu để tách nhỏ căn hộ làm tăng cơ cấu dân số, gây áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lên khu vực; Có quy định cụ thể về việc lấy ý kiến cộng đồng như phạm vi, tỷ lệ ý kiến đồng thuận…

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã cho ý kiến, câu hỏi đối với các sở, quận, huyện về vấn đề trong quá trình thực hiện triển khai thực quy hoạch như: Lấy ý kiến cộng cộng đồng dân cư; kinh phí lập quy hoạch; tổ chức lập quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh; quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm, tiến độ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; tính đồng bộ giữa lập quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch... Lãnh đạo các Sở KH&ĐT, QH - KT, TN&MT đã trả lời từng vấn đề cụ thể để làm rõ các ý kiến đại biểu nêu...

Đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, bền vững

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nghiêm túc nội dung phục vụ buổi giám sát. Đã có 9 ý kiến với 31 nội dung phát biểu của các thành viên Đoàn giám sát và đều cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của các đơn vị. Báo cáo đã bám sát đề cương yêu cầu giám sát, cung cấp nhiều thông tin về công tác quy hoạch của quận, huyện và TP, làm cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp báo cáo đánh giá theo yêu cầu của Quốc hội.

Đánh giá về kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về công tác quy hoạch của các đơn vị, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên khẳng định: Đối với 3 quận huyện trên đã có sự quan tâm thường xuyên đến công tác quy hoạch, đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn để triển khai công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch ngành. Đến nay, về cơ bản hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn của quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm đã được lập, thẩm định, phê duyệt đầy đủ theo quy định, là căn cứ, công cụ quan trọng quản lý phát triển địa phương.

Đối với 3 Sở KH&ĐT, TN&MT, QH - KT cũng rất tích cực, thực hiện tốt công tác tham mưu TP lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong việc hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Đến nay, hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn của TP đã cơ bản được lập, thẩm định, phê duyệt khá đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý, công cụ quan trọng để TP thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nông thôn theo quy hoạch, theo định hướng “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững”.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đề nghị, thời gian tới, các quận, huyện: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm tiếp tục chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với các sở, ngành liên quan của TP trong công tác rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy hoạch kinh tế - xã hội, đô thị, đất đai, quy hoạch nông thôn, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.

Qua đó, điều chỉnh hoặc đề xuất kiến nghị điều chỉnh những nội dung, vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp trong hệ thống quy hoạch đã được lập, phê duyệt, để đề xuất phương án phù hợp tích hợp trong quy hoạch Thủ đô, cũng như quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; bảo đảm khắc phục được những hạn chế của quy hoạch trước, bảo đảm chất lượng các phương án có tầm nhìn dài hạn, bền vững.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên cũng đề nghị các sở tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu UBND TP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch theo quy định, trọng tâm tham mưu bảo đảm tiến độ, thời gian hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các sở: KH&ĐT, TN&MT, QH - KT cần tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn chuyên môn theo quận, huyện trong công tác rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, những nội dung không còn phù hợp, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp, bảo đảm đầy đủ, chính xác, thực chất, hiệu quả, tránh cách làm đại khái, chung chung, không rõ nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong thực hiện những chỉ đạo của UBND TP.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ra-soat-de-bo-sung-dieu-chinh-cac-phuong-an-quy-hoach-tich-hop-444960.html