20/01/2025 | 06:15 GMT+7, Hà Nội

Quy trình làm vàng giả từ vonfram của Trung Quốc

Cập nhật lúc: 11/09/2016, 19:12

Vàng giả được làm tinh vi đến độ, những bậc đại gia về vàng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt. Phân tích một thỏi vàng giả, các chuyên gia phát hiện thỏi vàng này gồm một lớp vàng nguyên chất phủ bên ngoài, phía bên trong lõi vàng được kết cấu bằng một hợp kim có những đặc tính như vàng thật.

Theo thông tin từ báo An Ninh Thủ Đô, vừa qua, một đối tượng tên Nguyễn Hữu Thành đã mang vàng nguyên liệu, có trọng lượng khoảng 3 "cây", đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy (Hạ Long, Quảng Ninh). Vàng được chào bán với giá 115 triệu đồng.

Do thấy những dấu hiệu bất thường, chủ cửa hàng đã báo với cơ quan công an.

Được biết, trước khi được đưa từ Trung Quốc sang, vàng giả đã được các đối tượng “phù phép” để vô hiệu hóa các máy thử cũng như thợ kim hoàn kinh nghiệm nhất.

Thông tin này khiến người dân và cả giới kinh doanh vàng trong nước hoang mang, lo lắng. Vậy vàng giả được làm “tinh vi” như thế nào?

Số vàng "rởm" cơ quan công an thu giữ. Ảnh công an cung cấp.

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Quảng Ninh, hầu hết vàng “bẩn”, vàng giả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay.

Những loại vàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hông Kông sau đó được một số đối tượng người Trung Quốc liên kết với đối tượng người Việt Nam đưa qua biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy vì tỷ trọng của vàng và vonfram gần giống nhau (19,6 và 18,3).

Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram.

Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo. Máy thử vàng phát hiện được 17,18 nguyên tố kim loại khác nhau nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram.

Khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên kết luận là vàng 999 hoặc 9999. Theo tính toán, mỗi lượng vàng độn, kẻ gian có thể lãi từ 6 đến 7 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn được khoảng 20% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật.

Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam kim loại này có giá khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/kg.

Tại thị trường vàng Hồng Kông, vàng giả đã hoành hành nhiều đến mức hầu như tất cả các trung tâm kinh doanh vàng bạc đá quý đều trở thành nạn nhân của vàng giả.

Vàng giả được làm tinh vi đến độ, những bậc đại gia về vàng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt. Phân tích một thỏi vàng giả, các chuyên gia Hồng Kông phát hiện thỏi vàng này gồm một lớp vàng nguyên chất phủ bên ngoài, phía bên trong lõi vàng được kết cấu bằng một hợp kim có những đặc tính như vàng thật.

Là đơn vị thu được những mẫu 'vàng lạ' và qua thời gian nghiên cứu, ngày 17.11, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã công bố những kết quả ban đầu để người tiêu dùng cũng như giới kinh doanh vàng nhận biết tránh những thiệt hại kinh tế khi mua trúng loại vàng 'rởm' này.

Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối sản xuất kỹ thuật Doji cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên mẫu “vàng lạ” thu được trên thị trường trong thời gian vừa qua, đây là một dạng vật liệu đặc biệt khác với Volfram thông thường.

Việc phân biệt vàng giả được độn vonfram cực kỳ khó

Vì Volfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn, đồng thời nó có thể bị phát hiện bằng một số phương pháp".

Volfram có tỷ trọng rất gần với vàng ( d(W) = 19,3 g/cm3, d(Au) = 19,32 g/cm3) và nhiệt độ nóng chảy cao hơn rất nhiều (Tonc(W) = 3.410 độ C, Tonc(Au) = 1.063 độ C). Do đó khi độn Volfram trong vàng sẽ không xác định được bằng phương pháp cân tỷ trọng. Tuy nhiên Volfram không hòa tan được trong vàng nên chỉ có thể sử dụng phương pháp “bọc vàng”. 

Do nhiệt độ nóng chảy của Volfram cao hơn vàng rất nhiều nên trong quá trình bọc Volfram không bị chảy ra và vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu của “lõi”.

Phương pháp này có thể phát hiện được nếu cắt sản phẩm ra hoặc nấu chảy toàn bộ khối vàng ra, ông Tuấn cho biết.

"Chúng tôi đang kiểm tra và nghiên cứu một số mẫu “vàng lạ” bằng các phương tiện máy móc khoa học hiện đại. Theo chúng tôi, vàng giả ở đây được chế bằng cách cho một loại “bột” kim loại mịn gồm các kim loại nặng trong nhóm Pt. Cụ thể là Ru (Ruthenium), Os (Osminum), Ir (Irridium) - gọi tắt là ROI.

Các kim loại này đều không tạo hợp kim với vàng, vì vậy chúng chỉ tồn tại trong vàng miếng dưới dạng tạp chất cơ học giống như các hạt sạn màu ánh kim. Khi đo kiểm tra hàm lượng vàng bằng phổ kế X-quang cũng xác định được có các thành phần như vậy", ông Tuấn nói.

Do Volfram không hòa tan được trong vàng nên có thể sử dụng phương pháp “bọc vàng” để nhận biết vàng thật - giả. Ảnh: Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cung cấp.

Do Volfram không hòa tan được trong vàng nên có thể sử dụng phương pháp “bọc vàng” để nhận biết vàng thật - giả. Ảnh: Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cung cấp.

Nguyên tắc để tạo nên thỏi vàng giả được thực hiện bằng cách trộn theo tỷ lệ 51% vàng thật với đồng, nikel, sắt và một số kim loại hiếm như osmium, indium, ruthenium và rhodium.

Và không ai dám chắc rằng, những thỏi vàng giả ấy không được đưa sang tiêu thụ tại Việt Nam một cách ngẫu nhiên hoặc cố ý.

Bởi đơn giản, có rất nhiều công ty kinh doanh vàng bạc đá quý tại Việt Nam là đối tác lớn của những trung tâm kinh doanh vàng tại Hồng Kông.

Do lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu vàng, đặc biệt là với những loại vàng giả là rất lớn do giá vàng trong nước quá cao so với thế giới vì vậy các đối tượng luôn tìm ra nhiều cách tinh vi để đưa vàng giả từ Trung Quốc sang tiêu thụ tại Việt Nam.

Để phòng tránh điều này, người dân đặc biệt là các chủ hiệu vàng cần hết sức cảnh giác trước những loại vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.