18/01/2025 | 17:11 GMT+7, Hà Nội

Quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc: “Đẻ non” chợ rất dễ… chết yểu!

Cập nhật lúc: 05/01/2021, 09:25

Nhiều Sở, ngành ở Thanh Hóa cho rằng, việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa không có cơ sở khoa học. Thành phố Thanh Hóa xin quy hoạch chợ rất… cảm tính.

Đề xuất xin quy hoạch chợ rất... cảm tính

Đến ngày 30/12/2020, đã có 6 Sở ngành tại Thanh Hóa gửi văn bản tham vấn về việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc tới Sở Công thương Thanh Hóa. Trong số 6 ý kiến này, thì 100% ý kiến đều thống nhất cho rằng, đề xuất quy hoạch chợ của thành phố Thanh Hóa là thiếu căn cứ khoa học và chưa có cơ sở để xem xét việc quy hoạch chợ.

Theo đó, ngoài Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc quy hoạch chợ đầu mối mới là chưa cần thiết, chưa có cơ sở để thống nhất, thì các sở ngành còn lại gồm Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đều cho rằng, đề xuất quy hoạch chợ là thiếu căn cứ khoa học, không phù hợp với mỹ quan đô thị…

Chợ đầu mối rau củ, thực phẩm
Chợ đầu mối Đông Hương

Cụ thể, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho rằng: “Khu vực đề xuất bổ sung chợ đầu mối nông lâm sản tại xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa được xác định là đất ở mới. Việc bổ sung quy hoạch một chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh hóa trong giai đoạn tới cần làm rõ sự cần thiết (cần có số liệu báo cáo về nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu trong những năm tới cần thiết phải bổ sung chợ). Vị trí lựa chọn quy hoạch chợ phải phù hợp với định hướng phát triển đô thị của thành phố và đảm bảo các yêu cầu theo quy định hiện hành về chợ đầu mối”.

Cũng theo Sở Xây dựng, vị trí đề nghị quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa chứ không phải thành phố Thanh Hóa. Do vậy, UBND tỉnh cần giao địa phương có liên quan (Hoằng Hóa). “Các đề xuất khác về xác định vị trí chợ đầu mối tại địa phận ngoài thành phố Thanh Hóa, đề nghị Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh giao địa phương có liên quan đề xuất, bố trí quỹ đất phù hợp với định hướng quy hoạch vùng, huyện, và quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo nhu cầu về quy mộ, chức năng chợ”, văn bản tham vấn của Sở Xây dựng nêu rõ.

Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Thanh Hóa đề xuất chợ đầu mối phía Bắc là không phù hợp với mỹ quan đô thị. “Cần nghiên cứu khảo sát, đánh giá tính hiệu quả, nhu cầu giao thương của người dân đối với việc bổ sung quy hoạch chợ đầu mối nông lâm sản phía Bắc thành phố. Sở này cũng khẳng định việc bố trí chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực cử ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa không đảm bảo yếu tố cảnh quan, mỹ quan đô thị”, văn bản Sở này nêu rõ.

Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa thì cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch chợ trước khi đề xuất: “Do vị trí đề nghị quy hoạch chợ thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa nên đề nghị Sở Công thương nghiên cứu ý kiến của UBND huyện Hoằng Hóa có xét đến quy hoạch phát triển của huyện, đảm bảo vị trí đề nghị quy hoạch không chồng lấn, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương tại khu vực; đồng thời nghiên cứu ý kiến của người dân đặc biệt là của các tổ chức, các cá nhân đang tham gia quản lý và kinh doanh tại chợ đầu mối rau quả Đông Hương trước khi tham mưu, báo cáo UBND tỉnh".

Còn viện Quy hoạch và Kiến trúc thì cho rằng, “Nếu để hai chợ đầu mối nông lâm sản (chợ đầu mối Đông Hương, chợ đầu mối phía Bắc đang xin quy hoạch) khá gần nhau sẽ không phù hợp. Chỉ nên quy hoạch và hình thành 1 chợ đầu mối của tỉnh tại phía Đông phục vụ chung cho cả vùng đồng bằng và ven biển”.

Đừng vội “đẻ non” chợ để rồi…chết yểu

Về lý thuyết, quy hoạch xây dựng nói chung, quy hoạch chợ nói riêng là một trong những khâu quan trọng để định hướng cho phát triển và kêu gọi đầu tư, bảo đảm đầu tư có hiệu quả và phát triển bền vững. Việc quy hoạch chợ mà chợ không có người họp... thì đó quy hoạch thiếu tính chiến lược, chưa phù hợp với thị trường, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, ảnh hưởng tới đời sống của bà con tiểu thương.

Vì thế, để công tác quy hoạch đem lại hiệu quả cho thực tiễn phát triển là công việc cần được xem xét thường xuyên và nghiên cứu nghiêm túc. Điều đó để thấy rằng, đề xuất quy hoạch chỉ là một khía cạnh, nhưng có thực hiện được quy hoạch hay không, quy hoạch có khả thi hay không, có mang lại hiệu quả kinh tế hay không lại là một chuyện khác. Nếu việc quy hoạch, xây dựng chợ mà không căn cứ vào các luận cứ khoa học và điều kiện thực tế của địa phương thì sẽ gây ra sự lãng phí nguồn lực và hàng loạt hệ lụy về sau.

5 lý do chưa nên xin quy hoạch chợ
Chợ đầu mối Đông Hương vẫn còn nhiều ki ốt chưa sử dụng

Quay trở lại vụ việc đề xuất quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc, văn bản của thành phố Thanh Hóa vẫn chưa làm rõ được nhiều vấn đề về tính khoa học, thực tiễn: Cụ thể, việc xin quy hoạch 1 chợ đầu mối lâm sản phía Bắc thành phố Thanh Hóa (tại Hoằng Hóa) và vẫn giữ nguyên chợ đầu mối rau quả Đông Hương theo quy hoạch hiện nay hay là thay thế chợ đầu mối Đông Hương? Phương án di chuyển hay chuyển đổi chợ ra sao? Đời sống của hàng nghìn tiểu thương và nhà đầu tư chợ đầu mối Đông Hương sẽ được giải quyết thế nào?

Do dó, nếu là thay thế chợ đầu mối Đông Hương thì cần phỉ có nghiên cứu về giải pháp, lộ trình. Nếu không làm rõ thì sẽ khó xem xét, quyết định, đồng thời sẽ khó có sự đồng thuận trong nhân dân.

Mặt khác, việc quy hoạch chợ cần bổ sung đánh giá, xác định sơ bộ vùng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như cung cấp cho mạng lưới bán lẻ của chợ đấu mối phía Bắc dự kiến bổ sung; từ đó xác định các mặt hàng chủ lực, quy mô và địa điểm phù hợp… Để các chợ đầu mối phát huy đúng chức năng, ngoài việc chọn địa điểm hợp lý, thuận tiện giao thông và xây dựng hạ tầng đồng bộ, cần có nhiều yếu tố khác (như đã nêu ở các bài viết trước). Tuy nhiên, văn bản xin quy hoạch chợ của UBND thành phố đã không đáp ứng được các căn cứ có tính pháp lý, khoa học, thực tiễn này. Đến đây, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Vậy, quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa có phải theo tư duy chủ quan hay đề xuất của chủ đầu tư nào đó?

Mặc dù chưa đủ căn cứ để cho rằng, việc UBND thành phố Thanh Hóa đề xuất xin quy hoạch chợ không có căn cứ khoa học và chưa cần thiết gây thiệt hại đến đời sống bà con tiểu thương, thế nhưng gần 1.000 tiểu thương tại chợ đầu mối phía Bắc Thanh Hóa cũng được phen “húa vía”. Đây rõ ràng là bài học kinh nghiệm để thành phố Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung tham khảo, qua đó, có những quyết sách đúng đắn, khoa học và phù hợp.

Chưa nên xem xét quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc

Một số chuyên gia về quy hoạch phát triển chợ cho rằng, chưa nên xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc TP. Thanh Hóa, bởi lẽ:

Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra đề xuất quy hoạch chợ, nhưng chưa có đánh giá cụ thể, bài bản khoa học về tính cấp thiết của việc xây dựng chợ đầu mối phía Bắc Thanh Hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, không thể quy hoạch chợ đầu mối theo cảm tính khi các luận cứ khoa học về quy hoạch chợ chưa được đánh giá một cách khách quan, đúng quy định.

Thứ hai: Chưa có đánh giá khoa học, thực tiễn về tác động của quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc với quy hoạch đô thị TP. Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và ngược lại để chứng minh rằng, việc quy hoạch chợ là phù hợp với quy hoạch chung.

Thứ 3: Việc đề xuất xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) dễ gây “xung đột” đối với dự án chợ khác diện tích hơn 3ha đã được tỉnh phê duyệt, cho thuê đất tại xã này. Hay nói cách khác, việc quy hoạch thêm 1 chợ nữa (chợ đầu mối phía Bắc thành phố) sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương, đầu tư xây dựng trước đó.

Điều này cần phải được xem xét một cách hết sức thận trọng để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại, TP. Thanh Hóa và khu vực ngoại thành có bán kính chưa đầy 10km đã được chấp thuận chủ trương và quy hoạch 2 chợ đầu mối. Nếu quy hoạch thêm một chợ đầu mối nữa với diện tích 30 - 40ha thì cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, tránh "dẫm chân" lên nhau.

Thứ 4: Việc xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc TP. Thanh Hóa nhưng chưa có bất cứ khảo sát, đánh giá sơ bộ nào về tác động của vùng (các tỉnh lân cận Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam…), kho tàng, bến bãi trình độ phát triển của vùng sản xuất, việc cung ứng hàng hóa và mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp, nông sản, hàng hóa… Điều này có quyết định tới hiệu quả của việc quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối phía Bắc trong tương lai.

Thứ 5: Chưa xem xét trình quy hoạch chợ đầu mối Đông Hương cũng là phương án ổn định tâm lý tiểu thương nói riêng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP. Thanh Hóa nói chung. Hay nói cách khác, không thể xem nhẹ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương ở thời điểm hiện tại, khi thông tin xin quy hoạch chợ mới của thành phố có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống, tâm lý của tiểu thương. Trong khi đó, nhà đầu tư đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào chợ và khi chưa thu hồi được vốn đã tính toán tới phương án di chuyển chợ, rõ ràng là câu chuyện bất hợp lý.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/quy-hoach-cho-dau-moi-phia-bac-de-non-cho-rat-de-chet-yeu--20201231000000142.html