25/11/2024 | 22:58 GMT+7, Hà Nội

Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019

Cập nhật lúc: 10/05/2020, 15:00

Quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới về tổ chức thi riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo, không công bố trúng tuyển...

Quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới về tổ chức thi riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo, không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thu Thuỷ, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết tại. Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2020.

Theo đó, Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay Bộ GD-ĐT quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết, không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.

Cũng chia sẻ tại hội nghi, về quy chế tuyển sinh năm nay, GS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy chế đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trước hết là đáp ứng được về pháp lý, tạo ổn định trong xã hội. “Chúng tôi yên tâm vì trong quy chế có quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng để các trường tuyển sinh. Đây vừa là điều kiện, vừa là cơ sở pháp lý để các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo phương án tổ chức kỳ thi, kiểm tra riêng” - GS Hồ Đắc Lộc chia sẻ.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, qua trao đổi với hơn 30 trường THPT, các trường đều đồng thuận với những chủ trương về thi và tuyển sinh năm nay. GS Quang ủng hộ việc trưng dụng, tăng cường thanh tra ủy quyền của các trường ĐH và mong muốn đề thi chính thức sắp tới sẽ có độ phân hóa rõ hơn ở thang điểm từ 6-10 để các trường có thể sử dụng hiệu quả kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tuyển sinh.

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Còn theo, PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân: “Chúng tôi mong muốn những năm tới tiếp tục thực hiện phương án này và có lộ trình rõ ràng hơn khi chuyển đổi, với sự thống nhất cao hơn nữa của hệ thống GDĐH”.

Cho rằng quy chế đã tháo gỡ nhiều vấn đề băn khoăn của các trường và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, để các trường đại học yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này.

“Có hai việc quan trọng là coi thi và chấm thi. Năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt hai việc này. Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa tất cả những điều không mong muốn xảy ra” - GS.TS Tạ Thành Văn nói .

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm. Còn GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất, năm nay Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo, vì năm ngoái, Bộ đã hỗ trợ các trường rất tốt công đoạn này.

Trao đổi về phương án tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã chủ động dự đoán các tình huống, để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Tinh thần chung là, làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an yên tâm, dư luận đồng tình. Trên tinh thần đó, . Vừa có tính kế thừa, vừa có cập nhật thực tế để phù hợp với thực tiễn của năm nay.

Theo Thứ trưởng, tuyển sinh là bước đầu trong quá trình đào tạo. Vì thế, những thông tin mà các trường cung cấp cho thí sinh và xã hội phải trung thực, chính xác, có định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trước đề xuất của các trường về lọc ảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ các trường quy trình này. Vì thế, các trường cần tuân thủ cung cấp dữ liệu lên hệ thống đầy đủ, kịp thời, chính xác để hệ thống lọc ảo được tốt.