22/11/2024 | 19:08 GMT+7, Hà Nội

Quảng Ninh: “Cò vé” lộng hành, lái tàu “coi thường” tính mạng hành khách?

Cập nhật lúc: 08/07/2016, 12:00

“Cò vé” bám đuôi, chèo kéo du khách ngay trong sảnh bán vé nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng bảo vệ và giữ an ninh trật tự nhắc nhở. Trong khi lái tàu “coi thường” tính mạng hành khách khi điều khiển tàu bằng...chân.

“Cò vé” lộng hành trước mặt Cảng vụ viên?

Cảng tàu khách du lịch quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách đến Cảng mua vé tham quan Vịnh. Thế nhưng theo phản ánh, thời gian qua tại cảng quốc tế Tuần Châu tình trạng “cò” vé tàu hoạt động rầm rộ, hết sức sôi nổi.

Trong vai, hành khách du lịch, phóng viên vừa bước vào của nhà ga bến tàu, một nhóm những người phụ nữ và đàn ông đã chạy ào ào đến chỗ chúng tôi, đon đả mời mua vé tàu và vé tham quan Vịnh. Lúc này, một người đàn ông chạc tuổi bỗng níu tay chúng tôi: “Đi tàu không em, giá rẻ lắm. Chỉ cần 100 nghìn đồng/ người là có 4 giờ tham quan trên Vịnh”.

Một

Một "cò" ghi danh sách hành khách

Chúng tôi chưa kịp trả lời, người đàn ông này lập tức gọi một người phụ nữ nói vội: “em bổ sung cho anh mấy anh này vào danh sách đi tàu”. Ngay lập tức người phụ nữ nhanh chóng ríu rít: “Các em đọc tên đi, lên tàu đi luôn, không phải chờ đợi”.

Hơi bất ngờ trước sự bạo dạn của những “nhân viên” bán vé vô danh tính, chúng tôi liền từ chối nhưng các “cò vé” vẫn nhất quyết bám theo, không buông tha. Một vài du khách khác trong khu vực bán vé tàu cũng bị nhóm “cò vé” hung hăng tiến lại mời chào, dắt díu, tạo khung cảnh hỗn độn trong bến cảng hành khách hiện đại, lớn nhất vịnh Hạ Long.

Theo quan sát của phóng viên, khi chưa chèo kéo được du khách, các “cò vé” tụ tập thành một nhóm khá đông ngay bên trong sảnh bán vé, hễ cứ thấy du khách nào đi qua liền vây kín lại để chào mời.

Thu tiền công khai

Thu tiền công khai

Theo tiết lộ, các cò mồi này thường là nhân viên của các tàu đang đỗ trong cảng Tuần Châu, mỗi khi chèo kéo được một vài khách du lịch, “cò” liền dẫn ra hàng ghế chờ tàu trước sân cảng, dồn hành khách thành một nhóm, đợi khi đông đủ sẽ xin lệnh cho tàu chạy.

Nghiêm trọng hơn, đội ngũ “cò vé” lộng hành sâu bên trong nhà điều hành ga tàu Tuần Châu như kiểu “côn đồ, trước mặt các Cảng vụ viên- Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đang túc trực làm nhiệm vụ tại đây.

Với du khách Việt, việc từ chối đội ngũ “cò vé” đã mệt mỏi; với du khách nước ngoài còn phiền toái và mất thiện cảm hơn. Họ chỉ có thể tỏ thái độ bực mình bằng những cái lắc đầu và xua tay song rất khó để có thể “cắt đuôi” hoàn toàn đội “cò vé” đông đảo này.

Điều lạ lùng là khi đội ngũ “cò vé” bám đuổi và chèo kéo du khách ngay trong sảnh bán vé nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng bảo vệ và giữ an ninh trật tự nhắc nhở.

Tàu chở quá số người quy định, lái tàu bằng chân

Sau khi gom số lượng lớn hành khách, các “cò vé” dẫn dắt đoàn người đi qua cổng soát vé Cảng Tuần Châu. Chiếc tàu mà chúng tôi được đưa lên là chiếc tàu vỏ gỗ có tên là Thắng Lợi 68.

Sau khoảng 1 giờ xếp khách, đúng 11h, chiếc tàu này bắt đầu nhổ neo, đưa hành khách ra thăm Vịnh Hà Long. Được lệnh nhổ neo, các nhân viên trên tàu xếp chỗ cho từng người ngồi trong khoang, tuy nhiên do số lượng hành khách vượt quá sức chứa, một số hành khách phải trèo lên boong tàu ngồi.

Theo quan sát của phóng viên, con tàu này có 8 hàng ghế, với quy chuẩn 6 người một hàng, như vậy, tàu chỉ đáp ứng chỗ ngồi tiêu chuẩn là 48 nhưng số người có mặt trên tàu là hơn 50 người.

Điều đáng nói, trong suốt quá trình chiếc tàu này xếp khách, PV không thấy có bóng dáng lực lượng của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh bước chân lên tàu kiểm tra số lượng hành khách, công tác PCCC, trang thiết bị cứu sinh trên tàu…

"Thuyền trưởng" hiên ngang lái tàu bằng chân khi chở khách thăm quan

Khi tàu vừa đi ra giữa vịnh, bất chợt một cơn mưa biển đổ xuống rào rào, hành khách chạy toán loạn xuống khoang, một số khác thì chui vào buồng lái để trú mưa.

Lạ lùng hơn, trong buồng lái, lái tàu nằm xuống chiếc giường để đối diện với bánh lái, dùng chân khẩy khẩy, điều khiển con tàu to lớn chạy ra khơi, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hành khách. Chính vì thế, khi tàu cập bến, hành khách trên tàu hay bị chóng mắt, thót tim bởi các vụ va chạm, đụng độ giữa các tàu với nhau.

Thực tế, ghi nhận vào lúc 14h20’ ngày 6/7/2016, chiếc tàu mang tên Thắng Lợi 68 đã va chạm mạnh với một tàu khác đang cập cảng, khiến du khách hoảng loạn. May mắn, không có thiệt hại về người.

Tàu khách du lịch trên Vịnh Hạ Long “nhờn Luật”!

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, hiện có 534 tàu du lịch, trong đó có 202 tàu lưu trú qua đêm và 332 tàu phục vụ tham quan theo tiếng. Theo tính toán của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, hiện đội tàu lưu trú qua đêm trên Vịnh chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, trong khi tàu tiếng chỉ sử dụng hết khoảng 42% công suất. Như vậy, với đà tăng trưởng khách như hiện nay, theo tính toán phải tới năm 2025, 534 con tàu trên mới hoạt động hết công suất.

Thực tế để giành khách, các chủ tàu đua nhau đại hạ giá và thả nổi dịch vụ, khiến hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long trở nên xấu xí trong mắt không ít du khách. Đáng lo ngại trong 7 năm qua xảy ra 20 vụ tai nạn liên quan đến tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, khiến 22 du khách (trong đó chủ yếu là khách nước ngoài) thiệt mạng.

Cảng vụ nơi giao dịch với hành khách

Cảng vụ nơi giao dịch với hành khách

Liên quan tới tình trạng buông lỏng quản lý tàu du lịch, gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua trên địa bàn Quảng Ninh. Mới đây, UBND TP. Hạ Long đã có công văn số 2812/UBND ngày 06/06/2016 của UBND TP. Hạ Long yêu cầu Công an thành phố, Ban quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, trọng tâm là công tác đảm bảo an toàn.

Theo đó, chủ tàu không được để khách đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang hành trình, phao cứu sinh phải để nơi dễ thấy, dễ lấy… Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động của phương tiện nếu không đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, các quy định của công văn 2812/UBND mới chỉ nằm trên giấy. Thực tế, tại cảng du lịch quốc tế Tuần Châu, khi trời mưa gió (điển hình như lúc 10h30’ ngày 6/7/2016) thời tiết tại khu vực vịnh Hạ Long còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng các tàu trở khách du lịch tại đây vẫn được Cảng vụ cấp phép rời bến.

Câu hỏi đang được dư luận đặt ra, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh có “xi nhan” cho các chủ tàu hoạt động tại Cảng du lịch Quốc tế Tuần Châu “nhờn luật”, làm trái các quy định về đảm bảo ATGT, gây nguy hiểm tính mạng hành khách du lịch trên Vịnh Hạ Long?!

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 23/CT-TTg yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng của Bộ phối hợp các lực lượng chức năng của ngành công an thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa..

Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc!