19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Quảng cáo sai công dụng thực phẩm chức năng, Dreamt Life Việt Nam bị phạt 50 triệu đồng

Cập nhật lúc: 01/03/2019, 10:00

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa xử phạt Công ty Cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam vì quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Diabet Dream gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Theo quy định, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhưng không ít các doanh nghiệp cố tình quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo phóng đại thực phẩm chức năng như một loại thuốc chữa bệnh nhằm trục lợi từ phía người tiêu dùng.

Mới đây, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam vì Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Diabet Dream trên website http://hotrotieuduong.bloogsuckhoe.com khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Theo đó, Công ty Cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam bị phạt 50.000.000 đồng.

quang cao sai cong dung thuc pham chuc nang dreamt life viet nam bi phat 50 trieu dong
Sản phẩm của Dreamt Life Việt Nam quảng cáo trên website.

Cụ thể, Sản phẩm Diabet Dream chỉ là sản phẩm bảo vệ sức khỏe giúp hỗ trợ giảm đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, không phải là thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Công ty Cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam có địa chỉ tại TT 10-11 Khu ĐTM Văn Phú, Phường Phú La, Quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngoài ra, công ty cũng có một số sản phẩm mà báo chí đã phản ánh vì quảng cáo “trá hình”, thổi phồng công dụng sản phẩm như sản phẩm An phế Hyra, Kim Liệu Khang, …

Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Thị trường TPCN hiện nay rất sôi động với sự phong phú về sản phẩm và đa dạng về công dụng. Theo thống kê, hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu 2005 chỉ có khoảng 1 triệu người sử dụng thì đến năm 2015 con số này đã lên tới 15.500.000 người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh thành cả ở nông thôn và thành thị.

Tuy nhiên, việc các công ty sản xuất và phân phối TPCN khi đưa ra thị trường lại không đảm báo tính chính xác về mặt pháp lý của các sản phẩm sẽ dẫn tới những hệ luỵ khôn lường tới người tiêu dùng và toàn xã hội.

Tùng Linh