22/11/2024 | 11:46 GMT+7, Hà Nội

Quận Bắc Từ Liêm: Sai sót nhiều, kiểm điểm rút kinh nghiệm đến bao giờ?

Cập nhật lúc: 07/07/2020, 09:11

Nhiều lần tham mưu các kết luận thanh tra sai và thiếu sót, thế nhưng Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm cùng một số cán bộ, công chức khác chỉ bị xử lý “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Liên tục những kết luận sai

Ông Cấn Đức Dũng - Chánh văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa ký văn bản số 170/UBND-NV trả lời đơn đề nghị của người dân phường Thụỵ Phương liên quan đến đề nghị xem xét xử lý kỷ luật và kiểm điểm việc thực hiện các kết luận của UBND TP Hà Nội đối với bà Hoàng Thị Thuỷ - Chánh Thanh tra quận Bắc Từ Liêm.

Theo phản ánh của người dân, bà Thuỷ có trách nhiệm trong việc tham mưu Chủ tịch UBND quận này ban hành một số kết luận thanh tra nội dung tố cáo của công dân sai quy định.

Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Hữu Kiên - nguyên Đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2011 - 2016 cũng đã đề nghị Chủ tịch thành phố Hà Nội xem xét trách nhiệm Chánh Thanh tra quận này sau 4 lần tham mưu các kết luận thanh tra sai và thiếu sót.

Kết luận giải quyết tố cáo số 82/KL-UBND ngày 07/10/2019 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Theo ông Kiên, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, nhiều người dân gửi đơn thư tố cáo những vi phạm của Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương, cùng nhiều lãnh đạo UBND xã Minh Khai liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Thanh tra quận Bắc Từ Liêm đã tham mưu cho lãnh đạo quận này 4 lần ban hành kết luận khẳng định những nội dung tố cáo của người dân là “không có cơ sở” và “tố cáo sai”.

Cụ thể, năm 2016 Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành kết luận cho rằng nội dung tố cáo của công dân đối với ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu là không có cơ sở. Tuy nhiên, tháng 3/2019 UBND TP Hà Nội đã kết luận về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân phường Thuỵ Phương, trong đó nêu việc công dân tố cáo ông Đỗ Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm bao che cho ông Lê Văn Việt (Chủ tịch UBND phường Tây Tựu) là có cơ sở.

Cùng năm 2016, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ký kết luận thanh tra, cho rằng nội dung tố cáo của công dân đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo xã Minh Khai là sai. Không đồng tình với kết luận thanh tra, người dân tiếp tục khiếu kiện và đến năm 2019, UBND TP Hà Nội ra kết luận “nội dung công dân tố cáo là đúng”. “Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tồn tại trong việc giải quyết tố cáo của công dân không đúng” - TP Hà Nội yêu cầu quận Bắc Từ Liêm.

Tháng 7/2018, quận Bắc Từ Liêm có kết luận thanh tra cho rằng nội dung công dân tố cáo Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc là sai khiến người dân tiếp tục khiếu nại tới UBND TP Hà Nội. Tháng 3/2019, TP Hà Nội kết luận nội dung công dân tố cáo là đúng và chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm tổ chức kiểm điểm với Chủ tịch phường Đông Ngạc và cán bộ địa chính ở đây.

Ngày 21/11/2018, trên cơ sở Báo cáo kết quả xác minh số 376/BC-TTr ngày 09/11/2018 và dự thảo kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra quận, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Kết luận số 93/KL-UBND kết luận nội dung tố cáo ông Nguyễn Ngọc Nam - nguyên Chủ tịch UBND xã Thụy Phương có dấu hiệu lập khống hồ sơ thanh quyết toán dự án đường, rãnh thoát nước thôn Hồng Ngự, thôn Đình, thôn Đông Sen, xã Thụy Phương là không có cơ sở, nhưng chưa kết luận cụ thể 02 nội dung (có dấu hiệu thông thầu và chất lượng bê tông tấm đan không đảm bảo thiết kế để trơ sắt ra ngoài).

Thừa nhận có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng ông Nguyễn Ngọc Nam không phải áp dụng hình thức kỷ luật nào?

Đến tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội tiếp tục có kết luận, trong đó cho rằng việc Thanh tra quận Bắc Từ Liêm tham mưu Chủ tịch UBND quận này giải quyết tố cáo của người dân không kết luận cụ thể 2 nội dung là thiếu sót. Trách nhiệm thuộc về Thanh tra quận Bắc Từ Liêm và có trách nhiệm của ông Đỗ Mạnh Tuấn (Chủ tịch UBND quận) - người ký ban hành văn bản.

Như vậy, UBND TP Hà Nội đã 4 lần ban hành kết luận cho rằng “nội dung tố cáo của công dân có cơ sở”, “tố cáo đúng” đối với một số sai phạm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Đồng thời, tại các thời điểm đưa ra kết luận, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có liên quan ở 4 phường nêu trên.

Pháp luật không quy định "kiểm điểm rút kinh nghiệm"

Đáng ra, chỉ cần một thuộc cấp hoặc thanh tra viên dưới quyền tham mưu ban hành văn bản sai thì Chánh Thanh tra quận cũng đã phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Trong khi đó đích thân Chánh Thanh tra xử lý và tham mưu sai lại không bị xử lý”- ông Kiên cho hay.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Từ những vụ việc trên, UBND quận Bắc Từ Liêm đã kết luận bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận này đã tham mưu UBND quận ban hành công văn về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn phường không đúng quy định.

Tại hội nghị kiểm điểm vào tháng 10/2019, Thanh tra quận Bắc Từ Liêm đã thống nhất hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm” đối với bà Hoàng Thị Thuỷ và ông Phạm Quang Huy - chuyên viên Thanh tra quận Bắc Từ Liêm. 

Điều đáng nói là việc với nhiều sai phạm như vậy, việc áp dụng “kiểm điểm rút kinh nghiệm” với những cá nhân này - vốn không phải là một hình thức xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật, không có tính chất răn đe, cảnh cáo thì liệu có mang lại hiệu quả rõ ràng? Việc “rút kinh nghiệm” sẽ còn kéo dài đến bao giờ?