19/01/2025 | 10:20 GMT+7, Hà Nội

Phong tỏa, đóng cửa các quán cà phê nhưng vẫn rất cần ý thức của mỗi người dân

Cập nhật lúc: 17/02/2021, 06:39

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, có rất nhiều người dân đổ ra đường du xuân, ngồi cà phê, thiếu ý thức, bất chấp những khuyến cáo không ngừng nghỉ của ngành y tế trong việc phòng chống dịch Covid-19.

1. Sau cái chết bất ngờ của một người Nhật có dương tính với Covid-19 tại một khách sạn ở Hà Nội, chiều 15/2, tức mùng 4 Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có 1.028 F1, trong đó có 55 trường hợp F1 mới. Số F2 là 10.970, trong đó có 198 trường hợp mới.

Nhận định và dự báo tình hình dịch Covid -19 thời gian tới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, Hà Nội vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh ngoài cộng đồng. Nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt là sau Tết khi người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở lại Hà Nội làm việc. 

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đề xuất, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người), trong đó đặc biệt là yêu cầu bắt buộc nhân dân đeo khẩu trang; các cơ quan công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là những người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội làm việc.

Riêng với những người trở về từ vùng dịch, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh... cần phải được giám sát y tế chặt chẽ.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng đánh giá tình hình dịch có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, khi các bệnh nhân mắc Covid-19 có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn. 

Trước tình hình đó TP. Hà Nội quyết định đóng cửa các quán ăn đường phố, các quán trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2; tạm thời dừng việc mở cửa các điểm di tích; Đồng thời có công văn hỏa tốc cho học sinh các cấp dừng đến trường từ ngày 17/2 đến 28/2, thực hiện học trực tuyến.

Các địa phương sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm các kịch bản, tình huống phòng, chống dịch có thể xảy ra để kịp thời ứng phó; các phòng khám, quầy thuốc cần cảnh giác với những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở đến mua thuốc.

2.Nhìn lại kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua có thể thấy, dịch bệnh tưởng như đã được kiểm soát nhưng thực tế số ca mắc Covid -19 vẫn tăng, đáng lo ngại là những ca mắc do lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây.

Rõ ràng, thực tế còn rất nhiều người thiếu ý thức, bất chấp những khuyến cáo không ngừng nghỉ của ngành y tế. Mấy ngày nghỉ Tết, giữa Thủ đô thanh lịch, nhiều người vẫn tụ tập đông người, vẫn cà phê “chém gió” không đeo khẩu trang.

Mùng 1 Tết, người dân đã đổ ra đường du xuân. Các quán cà phê đã tấp nập khách. Mùng 2, mùng 3 Tết cảnh cà phê “chém gió” vẫn diễn ra thêm đông đúc. Nhiều điểm cà phê “sang chảnh” kín chỗ khách đặt. Tại khu vực phố Tràng Tiền, người dân chen chân mua kem, ăm kem tại chỗ. Cũng có người đeo khẩu trang, người không, nhưng khi đứng ăn thì đương nhiên khẩu trang phải bỏ xuống. Dường như ai cũng nghĩ covid-19 không thể lây ở những chốn này!?

Cộng đồng mạng bức xúc. Có người ngạc nhiên rằng: Tết Covid-19 nhưng vẫn làm như Tết mọi năm, lạ thế!

“Không ai quản hết được chúng ta, thì chúng ta nên tự quản mình. Bị cái gì là cả gia đình chúng ta sẽ bị theo, chứ không thể ngồi yên sau những sự bất cẩn của chúng ta được”, một ý kiến bức xúc chia sẻ.

Tại tỉnh Hải Dương, nơi được coi là ổ dịch lớn cũng quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 để phòng chống dịch.

Nơi cách ly tập trung 1.800 công nhân công ty POYUNi ở Hải Dương, tình hình lây chéo có sự gia tăng. Trước nguy cơ đáng lo ngại này, chiều 15/2, tức mùng 4 Tết Nguyên đán, tỉnh Hải Dương phải tổ chức di chuyển đến địa điểm cách ly mới, đảm bảo bố trí 10 người có nguy cơ thấp ở chung phòng; 6 người có nguy cơ cao ở chung một phòng.

Như vậy, có thể thấy nếu trong khu cách ly, ai cũng thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch thì khi có ca F0 sẽ xác định được rõ hơn và ít xảy ra lây nhiễm thêm.

3.Đây là lần thứ 3 dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại với mức độ phức tạp và nhiều ca lây nhiễm hơn so với 2 lần trước. Đặc biệt, số ca lây nhiễm trong cộng động lần này lớn hơn rất nhiều, với 679 ca lây nhiễm (số liệu của Bộ Y tế tính đến ngày 16/2), trong đó, tại Hải Dương có tới 501 ca, Hà Nội 34 ca, Quảng Ninh 59 ca, TP.HCM 36 ca, Gia Lai 27 ca và Bình Dương có 6 ca.

Trong khi đây là Tết thứ hai, từ Chính phủ, ngành y tế, các lực lượng khác không có ngày nghỉ, làm việc liên tục để đảm bảo Tết cho người dân, thì vẫn còn rất nhiều bộ phận người dân chưa ý thức được rõ việc thực hiện "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người), đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Thực tế cho thấy, việc phong tỏa lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, để dịch không lây lan thì không phải chỉ có phong tỏa mà rất cần ý thức từ người dân. Nếu ai cũng tự giác thực hiện tốt quy định "5K" thì chắc chắn sẽ không phải phong tỏa, mọi sinh hoạt vẫn được diễn ra trong “trạng thái bình thường mới” mà chúng ta đã làm rất tốt ở những lần trước.

Trong cuộc họp chiều mùng 4 Tết Nguyên đán, Thủ tướng chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, đã nhấn mạnh phải đẩy cao hơn nữa trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Ngày mai, sẽ là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Hy vọng trong trạng thái bình thường mới, mọi người dân sẽ tuân thủ quy định phòng chống dịch, thực hiện tốt "5K" của Bộ Y tế, để guồng quay kinh tế - xã hội trong năm mới không bị gián đoạn, để những công sức của nhiều ngành, nhiều người không bị uổng phí bởi một bộ phận cộng đồng thiếu ý thức phòng, chống dịch.

Nguồn: https://congluan.vn/phong-toa-dong-cua-ca-phe-chem-gio-van-rat-can-y-thuc-cua-moi-nguoi-dan-post119215.html