Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ ngày Tết
Cập nhật lúc: 28/01/2020, 17:00
Cập nhật lúc: 28/01/2020, 17:00
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi trúng thực, là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em vào dịp Tết. Nguyên nhân do bé ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có trong đồ ăn. Bởi thức ăn ngày Tết thường được chế biến sẵn, đa dạng và phong phú, nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.
Đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, tiêu đàm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
Những lưu ý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Ngay khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của việc bị ngộ độc thức ăn, bố mẹ cần yêu cầu trẻ ngừng, không ăn món đó nữa.
Sau khi sơ cứu, nếu quan sát thấy tình trạng sức khỏe của trẻ chưa hồi phục, nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử lý. Nên mang theo nguồn thức ăn gây ngộ độc để bác sĩ dễ dàng tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Khi nôn, đi ngoài trẻ sẽ bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol sẽ dẫn đến tình trạng mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bố mẹ cần bổ sung oresol cho trẻ, bạn cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc.
Bác sĩ khuyến cáo, nhiều trường hợp thấy con tiêu chảy quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha 1 gói oresol 200ml bắt con uống hết trong một lần khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, như vậy không có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu nước của trẻ.
Đặc biệt, bố mẹ cần tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy khi con bị tiêu chảy vì ngộ độc thức ăn. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa của trẻ lâu hơn, gây đầy hơi, chướng bụng, khiến tình trạng ngộ độc thêm trầm trọng.
Biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ
Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý từ khâu chọn thực phẩm. Đặc biệt, theo lới khuyên của các bác sĩ, nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không nên sử dụng đồ đông lạnh. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.
Phải đảm bảo rằng, tất cả đồ ăn cho trẻ đều được “ăn chín uống sôi”. Bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn cũng như lúc cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn. Ngoài ra, cần tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn để ngừa ngộ độc thực phẩm.
10:00, 28/01/2020
16:00, 22/01/2020
16:00, 01/01/2020