Phòng, chống dịch Covid-19: Công tác tuyên truyền đã "thấm" tới người dân
Cập nhật lúc: 05/03/2020, 16:57
Cập nhật lúc: 05/03/2020, 16:57
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thành phố Hà Nội đã chủ động, nghiêm túc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, góp phần quan trọng giúp nhân dân nhận thức đầy đủ về dịch Covid-19, qua đó có hành động, ứng xử phù hợp, để không chủ quan song cũng không hoang mang trước dịch bệnh.
Qua khảo sát ở Hà Nội, Báo Hànộimới đã ghi nhận ý kiến của người dân liên quan đến vấn đề này.
Anh Nguyễn Quốc Huy, tòa H3, chung cư Hope Residences, phường Phúc Đồng (quận Long Biên):
Công tác tuyên truyền hiệu quả, kịp thời
Thời gian qua, Ban Quản lý khu chung cư Hope Residences đã tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như phun thuốc khử trùng nơi công cộng, vệ sinh thang máy bằng dung dịch sát khuẩn; thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình diễn biến dịch bệnh; yêu cầu cư dân tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 phải chủ động khai báo và có biện pháp cách ly… Nhờ vậy, tôi hiểu rõ hơn về dịch Covid-19, nguy cơ lây lan, tự ý thức trong phòng ngừa như bỏ thói quen ăn uống ngoài hàng quán, thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, bảo đảm thông thoáng...
Nói về hiệu quả của công tác tuyên truyền, không chỉ người dân trong nước, mà cả người nước ngoài sinh sống ở đây cũng khẳng định Hà Nội đã làm tốt công tác này. Đặc biệt, việc tuyên truyền phòng, chống dịch được triển khai rộng khắp, đa dạng nhiều hình thức như trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức xe tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, lắp đặt pa nô, áp phích tại những địa điểm công cộng... Qua đó, hầu hết nhân dân đều hiểu về dịch bệnh và chủ động có biện pháp phòng, chống.
Anh Lê Quyết Thắng, lái xe taxi Hãng Thủ đô Sao, Hà Nội:
Phòng dịch tốt là để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và hành khách
Ngay sau khi được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khuyến cáo, được Hãng Taxi Thủ đô Sao tuyên truyền, tôi nhận thấy mình phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và hành khách. Vì vậy, tôi đã mua ngay dung dịch rửa tay khô, khẩu trang y tế để cấp cho hành khách nếu họ lên xe chưa có khẩu trang và yêu cầu khách phải sát khuẩn tay trước khi lên xe; duy trì việc vệ sinh xe trước và sau khi đón khách như dùng khăn thấm cồn để lau tay nắm cánh cửa, vô lăng, ghế ngồi… Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, tôi đều mở cửa xe, vệ sinh rất kỹ các bộ phận trong lòng xe bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó mới khởi động máy, bật điều hòa ở chế độ nóng nhằm phòng ngừa các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
Một số hành khách khi lên xe cảm thấy khó chịu khi bị chính “người phục vụ” yêu cầu phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhưng khi được tôi giải thích, họ đã vui vẻ trở lại và còn cảm ơn tôi vì đã lo cho sức khỏe của họ. Tôi sẽ duy trì nghiêm các biện pháp phòng dịch cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch để bảo vệ sức khỏe của chính mình và hành khách.
Chị Phạm Thu Hằng, công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam:
Tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ngay từ những ngày làm việc sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công ty tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền về dịch đến công nhân như dán thông báo về triệu chứng bệnh, biện pháp phòng, tránh tại nhiều địa điểm trong công ty giúp công nhân hiểu, nắm bắt. Ngoài ra, mỗi khi họp ca, họp bộ phận, công ty thường in thông tin phát tới tận tay các trưởng nhóm bộ phận hoặc thông qua hình thức gửi email cho các nhóm bộ phận để họ truyền đạt thông tin tới đoàn viên, người lao động.
Đồng thời, công ty thường xuyên đo thân nhiệt người lao động trước mỗi ca làm việc. Công ty cũng chú trọng đến an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, nâng cao chất lượng bữa ăn và thay đổi nhiều món để bảo đảm sức khỏe cho công nhân; cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên khử khuẩn nơi làm việc vào cuối tuần.
Đặc biệt, những ngày gần đây, khi dịch bệnh ngày càng lan rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, Công đoàn Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đến chia sẻ, động viên công nhân nâng cao ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Chính sự quan tâm kịp thời đó nên chúng tôi cảm thấy yên tâm làm việc, không hoang mang và tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Huế (quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) làm giúp việc theo giờ tại quận Thanh Xuân:
Các kênh thông tin đa dạng, đầy đủ và hữu ích
Tôi làm giúp việc theo giờ tại một số phường ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy. Hằng ngày, tôi thường làm 2-3 ca (mỗi ca kéo dài 3-4 tiếng) phải đi lại và tiếp xúc với nhiều người nên cũng lo lắng trước sự lây lan của dịch Covid-19. Do vậy, tôi đã chủ động theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm hiểu qua các tờ rơi, pa nô, áp phích treo, dán trên các tuyến đường, phố, khu chung cư để tự trang bị những kiến thức cần thiết trong phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin từ các tin nhắn của Bộ Y tế gửi đến điện thoại của tôi mỗi ngày cũng rất hữu ích, bởi qua đó, tôi nắm bắt được diễn biến tình hình dịch bệnh; các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; được hướng dẫn cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách... Vì các nguồn thông tin tuyên truyền về dịch dày dặn, đầy đủ, nên những người lao động như chúng tôi dễ dàng tìm hiểu, từ đó có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cả những người xung quanh.
17:23, 04/03/2020
16:53, 04/03/2020
17:39, 03/03/2020