Phó thủ tướng chỉ đạo đảm bảo ATTP trong dịp Tết và mùa lễ hội
Cập nhật lúc: 14/01/2019, 16:21
Cập nhật lúc: 14/01/2019, 16:21
Siết chặt quản lý thực phẩm nhập khẩu
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch kết hợp với việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại các loại thực phẩm này. Các bộ, cơ quan và các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi và cả năm 2019, trong đó lưu ý ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm
Thanh kiểm tra ATTP sẽ được tăng cường dịp trước Tết nguyên đán
Các đơn vị trên tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp về kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường nông thôn. Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua các giải pháp như gom dần lại, hạn chế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn thực phẩm thay thế Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 với các nội dung trọng tâm là hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phối hợp, sử dụng công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2 năm 2019.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, tạo công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý và giám sát của cộng đồng, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng, đảm bảo phương tiện, kinh phí, nhân lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Cũng theo thông báo từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thông báo, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các cơ quan báo chí quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an tăng cường việc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, vào năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 công ty sản xuất kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn.
Số người sử dụng thực phẩm chức năng liên tục gia tăng và tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2005, có xấp xỉ khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, thành phố sử dụng thực phẩm chức năng (chiếm 1,1% dân số) thì đến năm 2010, cả nước có khoảng 5,7 triệu người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh, thành. Năm 2015, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên với khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17% dân số) ở khắp các tỉnh, thành và đến năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên 21% dân số, tương đương gần 20 triệu người.
13:50, 14/01/2019
13:46, 12/01/2019
21:32, 11/01/2019