14/12/2024 | 10:53 GMT+7, Hà Nội

Phó Thủ tướng: Bỏ thủ tục rườm rà trong dự án đầu tư xây dựng

Cập nhật lúc: 29/08/2024, 07:39

Thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án, những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng sẽ được phân cấp tối đa.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Chiều 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành, 63 địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (dự thảo Nghị định).

Đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, so với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã đề xuất phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh (trừ dự án nhóm A có công trình cấp I có yêu cầu kỹ thuật phức tạp).

Dự thảo Nghị định cũng đưa một số công trình cấp I xuống cấp II phù hợp về mức độ phức tạp; cắt giảm số lượng dự án phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng...

Dự thảo Nghị định cũng chuẩn hóa quy định thành phần, nội dung hồ sơ yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, bỏ yêu cầu cung cấp các thông tin, giấy tờ pháp lý đã có trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; gộp một số lĩnh vực chứng chỉ hành nghề không yêu cầu chuyên môn chuyên biệt; kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 5 lên 10 năm.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số khái niệm như: Khu nhà ở chung cư; dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước ngoài đầu tư công; công trình ngầm; quy hoạch phân khu được thay thế cho quy hoạch chung làm cơ sở lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung tại khu chức năng có quy mô dưới 500 ha; thẩm quyền thành lập Ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành, khu vực…

Bộ Xây dựng cũng xin ý kiến về quy định "vốn nhà nước ngoài đầu tư công" theo 2 phương án: Rà soát và thống kê các nguồn vốn nhà nước hiện đang được quy định tại pháp luật có liên quan; không liệt kê cụ thể các loại nguồn vốn mà chỉ quy định chung.

Không gây các cách hiểu khác nhau khi áp dụng

Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ một số nội dung lớn liên quan đến dự thảo Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định cần cụ thể hơn nữa quy định phân cấp, phân quyền, đảm bảo cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; làm rõ thẩm quyền, trình tự trong cấp phép điều chỉnh thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn xây dựng...

Cho rằng Bộ Xây dựng đã giải trình khá đầy đủ các nội dung, vấn đề lớn, tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cần rà soát để có quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt các thỏa thuận quốc tế về ODA trong dự thảo Nghị định; bảo đảm các điều khoản, quy định rõ ràng, không chồng chéo, không gây các cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện một số địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, Hải Phòng, Đà Nẵng… đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về trình tự đầu tư xây dựng; nguyên tắc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; phân loại dự án; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong triển khai thực hiện dự án; thực hiện nhiệm vụ khảo sát và thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng…

Phân cấp tối đa

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, từ thực tế hoạt động, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ Xây dựng tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhất là việc áp dụng pháp luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định; điều khoản chuyển tiếp; tham chiếu, viện dẫn các luật chuyên ngành...

"Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị định khác liên quan đến lĩnh vực xây dựng có thể được xem xét nghiên cứu, đưa vào Nghị định này, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh phạm vi phân cấp thẩm quyền cho bộ, ngành, địa phương trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật… bám sát quy định của luật, "bỏ những khâu, thủ tục rườm rà, không cần thiết"; làm rõ những nội dung trong dự án đầu tư xây dựng cần thẩm định, phê duyệt lại khi có sự thay đổi…

Theo Phó Thủ tướng, thay vì phân cấp dựa trên phân loại nhóm dự án (A, B, C), Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án, những dự án đã có tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng sẽ được phân cấp tối đa. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam hoặc mang tính chất đặc thù, chuyên ngành.

Trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động về xây dựng, rà soát, có quy định quản lý đầy đủ đối với điều kiện hoạt động và lập cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân hành nghề… từ khâu đào tạo, cấp chứng chỉ, công bố công khai và cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Phó Thủ tướng mong muốn, sau khi được ban hành, Nghị định sẽ là công cụ quản lý tốt các dự án đầu tư xây dựng với thủ tục hành chính đơn giản hơn.

Nguồn: https://reatimes.vn/pho-thu-tuong-bo-thu-tuc-ruom-ra-trong-du-an-dau-tu-xay-dung-202240829004940394.htm