Phó Chủ tịch VICOPRO: ‘Tuyên truyền, giáo dục cho NTD đóng vai trò quan trọng
Cập nhật lúc: 01/04/2025, 11:18
Cập nhật lúc: 01/04/2025, 11:18
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) nhấn mạnh, VICOPRO và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.
Nhiều thách thức
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, thương mại điện tử phát triển cũng kéo theo sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, khiến các hình thức mua bán trực tuyến thông qua livestream bùng nổ. Nhất là đối tượng khách hàng trẻ - thế hệ vốn ưa chuộng sự tiện lợi và dễ tin tưởng vào những nhân vật có tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Hệ lụy của thực trạng này không chỉ dừng ở thiệt hại tài chính mà còn kéo theo sự nghi ngờ đối với các doanh nghiệp chân chính, làm méo mó môi trường kinh doanh trực tuyến vốn đang có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam.
Chia sẻ tại tọa đàm "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế" do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/3, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình trạng này xuất phát từ cả hai phía.
Một là, do các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích của mình mà sẵn sàng đưa hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn thương mại điện tử để thu lợi bất chính.
Hai là, người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân trục lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.
Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng chia sẻ, trong nhiều trường hợp, khi gặp vấn đề, người tiêu dùng không biết cách khiếu nại hoặc không đủ công cụ để đòi quyền lợi, khiến tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến. Việc giao dịch trên nền tảng số cũng khiến quá trình xử lý tranh chấp trở nên phức tạp hơn, nhất là với các giao dịch xuyên biên giới.
Kiểm soát chặt chẽ nền tảng thương mại điện tử
Để hỗ trợ người tiêu dùng, ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.
Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hay mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình kể cả trước những dấu hiệu vi phạm nhỏ nhất.
Chia sẻ trên Báo Nhân dân, Phó Chủ nhiệm VICOPRO Bùi Thanh Thủy cũng đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chức năng và các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki để quản lý chất lượng hàng hóa. Hiệp hội đề xuất các sàn cần xây dựng cơ chế kiểm duyệt nội dung livestream và thông tin sản phẩm trước khi lên sóng, buộc KOL và người bán cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng.
"Một hệ thống đánh giá tín nhiệm độc lập cho nhà bán hàng là điều cần thiết để người tiêu dùng dễ nhận diện đơn vị uy tín. Thực tế, những sáng kiến như LazMall, ShopeeMall - nơi cam kết bán hàng chính hãng, là hướng đi cần mở rộng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Phó Chủ nhiệm VICOPRO Bùi Thanh Thủy cho biết.
Việc yêu cầu công khai thông tin nhà cung cấp và giấy kiểm định ngay trên sàn TMĐT cũng cần được luật hóa chặt chẽ hơn. Để tăng cường kiểm soát, công nghệ AI có thể được ứng dụng nhằm phát hiện sớm các sản phẩm đáng ngờ, kết hợp với thanh tra định kỳ từ Tổng cục Quản lý thị trường và sự phối hợp giữa Bộ Công thương với các sàn.
Nguồn: https://reatimes.vn/pho-chu-tich-vicopro-tuyen-truyen-giao-duc-cho-nguoi-tieu-dung-dong-vai-tro-rat-quan-trong-202250411110636541.htm
11:13, 08/04/2025
11:32, 07/03/2025
15:26, 06/03/2025