Phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô đứng đầu và đi đầu
Cập nhật lúc: 08/08/2023, 09:03
Cập nhật lúc: 08/08/2023, 09:03
Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển hàng đầu
Về phương án phát triển văn hóa Thủ đô đến năm 2030, đại diện đơn vị tư vấn nêu đề xuất phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Thăng Long – Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tinh hoa văn hoá nhân loại.
Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành “thành phố sáng tạo”, “vì hòa bình”, “văn hiến, văn minh, hiện đại” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các TP có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, với những thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh trong khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Đến năm 2030 doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP, đến năm 2050 đạt từ 10% GRDP của thành phố trở lên.
Đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở bảo tàng, thư viện, mỹ thuật, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, trung tâm/nhà văn hóa, không gian thiết kế, sáng tạo văn hóa và cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, có sự liên thông, liên kết với mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, cơ sở văn hóa ngoài công lập và các cơ sở văn hóa thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển tài nguyên dữ liệu số hóa, cơ sở văn hóa hoạt động trên nền tảng trực tuyến không gian mạng.
Rà soát, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị cho các nhà hát, xây dựng công trình Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Thành phố Hà Nội và Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của Nhân dân Thủ đô. Đầu tư xây dựng nhà hát nghệ thuật quốc gia tại quận Tây Hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Ưu tiên nguồn lực thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị các di sản được UNESCO ghi danh, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số Mường và Dao cư trú trên địa bàn TP. Tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích Hoàng Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Đền thờ Ngô Quyền, Cổ Loa ...
Đáng chú ý, trong định hướng mở rộng không gian văn hóa, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch, liên kết với không gian Hoàng Thành Thăng Long - Cổ Loa nhằm kết nối khu vực nội đô lịch sử với cửa ngõ phía Đông của TP.
Bên cạnh đó, quy hoạch không gian ngầm tại khu vực nội đô gắn với bảo tồn, hạn chế phát triển khu vực trung tâm phố cổ. Quy hoạch đô thị khoa học công nghệ Hòa Lạc và Sơn Tây – khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai kết nối với cửa ngõ phía Tây và Tây Bắc gắn với khu bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số (Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, các làng bản dân tộc Mường, Dao).
Quy hoạch đô thị sinh thái Sóc Sơn, Mê Linh trên cửa ngõ phía Bắc gắn với hoạt động văn hóa, du lịch sinh thái- tâm linh. Quy hoạch đô thị Phú Xuyên- Thường Tín có sự kết nối với khu du lịch quốc gia Hương Sơn ở cửa ngõ phía Nam và Tây Nam có lợi thế trong bảo tồn, phát triển các làng nghề tuyền thống, du lịch sinh thái sông nước…
Đối với lĩnh vực thể thao, đầu tư xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở thể dục thể thao, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở thể dục thể thao quốc gia, các bộ ngành, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội gắn với việc mở rộng, nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao cho mọi người. Đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp có trọng điểm, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, cùng thành tích thi đấu của đoàn thể thao Hà Nội tại những giải thi đấu thể thao khu vực, châu lục và thế giới.
Đến năm 2030, đảm bảo 100% đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện cơ bản của nhân dân và tổ chức những giải thi đấu thể thao các cấp trên địa bàn TP…
Phát triển du lịch theo cụm, hành lang, tuyến
Về phương án phát triển du lịch Thủ đô, đơn vị tư vấn đề xuất, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu GRDP của Thủ đô, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, sẽ phát triển theo cụm, hành lang, tuyến du lịch. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, phát triển theo 7 cụm: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội; Cụm du lịch phía Tây (Sơn Tây - Ba Vì); Cụm du lịch phía nam (Mỹ Đức - Ứng Hòa); Cụm du lịch núi phía Bắc (Sóc Sơn - Mê Linh); Cụm du lịch Đông Anh và phụ cận; Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận; Cụm du lịch Gia Lâm-Long Biên và phụ cận.
Sau năm 2030, Thủ đô phát triển mạnh hành lang theo vành đai IV và hành lang sông Hồng; Phát triển mở rộng hành lang du lịch sông Đáy kết hợp sông Tích đến các cụm Ba Vì, Sơn Tây và Mỹ Đức - Ứng Hòa; Phát triển hành lang du lịch văn hóa lịch sử sông Tô Lịch.
Các tuyến du lịch quốc tế tổ chức theo đường hàng không sân bay quốc tế Nội Bài kết nối với quốc tế; đường sắt liên vận quốc tế: Hà Nội - Trung Quốc, Hà Nội – Lào; đường bộ xuyên Á.
Định hướng phát triển ngành phải phải rõ căn cứ khoa học
Tại buổi tọa đàm, đại diện sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất cho rằng, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là các lĩnh lớn, khó, có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô giai đoạn tới. Do đó, việc xây dựng phương án phát triển ngành, lĩnh vực cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, đánh giá chi tiết hiện trạng.
Trong xây dựng quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển các chuyên gia nhấn mạnh, phải rõ căn cứ khoa học, thực tiễn, phải tính đến xu thế, thị hiếu tiêu dùng, tiêu thụ văn hóa. Xác định vị trí đứng đầu, đi đầu của văn hóa Thủ đô để có hướng phát triển xứng tầm.
Quy hoạch cũng phải nêu được Thủ đô bảo vệ, phát triển di sản theo hướng nào, xây dựng những công trình văn hóa mới ra sao… Đặc biệt, những tư tưởng, nhận thức mới về văn hóa phải được đề cập vì có nhận thức mới, tư duy mới thì mới có định hướng phát triển bắt kịp thời đại.
Đóng góp ý kiến về quy trình, thực hiện xây dựng phương án phát triển, các chuyên gia đề xuất đơn vị tư vấn cần có những buổi làm việc kỹ hơn với các sở để thấy được những kỳ vọng, mong muốn của ngành, sau đó mới tổ chức xin ý kiến các chuyên gia. Có như vậy mới xây dựng được phương án phát triển ngành thật sự chất lượng, tầm nhìn xa để tích hợp vào Quy hoạch thủ đô.
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của chuyên gia để có cách làm, cách thực hiện, xây dựng phương án phát triển ngành thật sự chất lượng. Trong đó các sở, ngành, đơn vị tư vấn phải thể hiện được cái mới, đột phá, tầm nhìn, khát vọng của ngành, lĩnh vực. Điều này phải được thể hiện bằng những con số, bằng chỉ tiêu cụ thể và có so sánh với các TP tương đồng trên thế giới.
Đối với phương án phát triển hai lĩnh vực văn hóa và du lịch để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là hai lĩnh vực lớn, quan trọng, có liên hệ mật thiết với nhau. Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng vừa là động lực, nguồn lực phát triển.
Đảng bộ TP đã đưa ra phương hướng, quan điểm phát triển về không gian, trong đó có không gian văn hóa. Đơn vị tư vấn, Viện phải nhận thức đầy đủ quan điểm này để có cách làm, xây dựng phương án phát triển ngành một cách đúng tầm và vừa đảm bảo tiến độ thời gian, vừa đạt được chất lượng cao nhất để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
“Khung định hướng Quy hoạch Thủ đô đã có, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội phải truyền tải đầy đủ và xin ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện khung định hướng này. Thời gian không còn nhiều, đơn vị tư vấn, công việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt, có như vậy mới tranh thủ được đầy đủ các ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô có chất lượng” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-van-hoa-du-lich-thu-do-dung-dau-va-di-dau.html?fbclid=IwAR2KHA7qsgMN6MuMltKOQQvkPc9esb7KNtttx8TST5G4gMEyIYhvi0EghiQ
13:45, 27/07/2023
18:57, 26/07/2023
18:45, 25/07/2023