08/10/2024 | 09:31 GMT+7, Hà Nội

Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững

Cập nhật lúc: 26/10/2021, 08:00

Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững là xu hướng phát triển đô thị bền vững của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, khái niệm “hạ tầng xanh” còn tương đối mới trong quản lý đô thị ở Việt Nam.

Đất cây xanh đô thị và giao thông của Việt Nam quá thấp

Mới đây, tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn, bền vững ở Việt Nam” do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Tổ chức HealthBridge (Canada), Viện Tài nguyên thế giới (WRI, Mỹ) phối hợp tổ chức, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho biết: Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững còn tương đối mới đối với Việt Nam, do đó cần có những nghiên cứu, tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của các quốc gia, chính quyền đô thị, các cơ quan, tổ chức trên thế giới để có thể triển khai, áp dụng tại Việt Nam, cả dưới góc độ chính sách, quy hoạch, kinh nghiệm quản lý đến khoa học công nghệ, tài chính, con người…

Định nghĩa về “hạ tầng xanh”, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững được hiểu rộng ra là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải…) và các công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn và bền vững.

Đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam, báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật tập trung vào 2 nội dung là phát triển cây xanh và phát triển giao thông đô thị.

Các địa phương cần tập trung thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Các địa phương cần tập trung thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2. Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.

Tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70.000ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị. Điểm sáng là một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu…

Cũng theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật, tỷ lệ đất dành cho giao thông cũng quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%.

Mật độ đường thấp và phân bổ không đều, ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 2 – 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định là 4 - 6km/km2. Diện tích dành cho giao thông tĩnh cũng thấp, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị.

Giao thông công cộng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khối lượng vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%. Việc tiếp cận, tham gia giao thông còn thiếu an toàn.

Phát triển cây xanh, giao thông đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn

Trước thực tế nói trên, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra một số định hướng, giải pháp trong quản lý phát triển công viên cây xanh và giao thông đô thị.

Theo đó, đối với phát triển cây xanh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nội dung của Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021.

Và để thực hiện mục tiêu theo từng giai đoạn của Đề án, nhất là mục tiêu đến năm 2025, trồng mói 680 triệu cây xanh, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất: Tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa lịch sử…, bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bảo đảm phát triển cây xanh, giao thông đô thị đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Bảo đảm phát triển cây xanh, giao thông đô thị đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, trong đó có quy định yêu cầu về quy hoạch không gian xanh, đất cây xanh đô thị, tỷ lệ đất cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình; TCVN 9257/2021 tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị…

Để hoàn thành mục tiêu trên, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất một số giải pháp như hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển công viên, cây xanh đô thị; Ban hành cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển và khai thác công viên đô thị; Rà soát quỹ đất cây xanh, không gian xanh trong các đô thị, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và được quản lý tốt, tránh chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc, dịch chuyển cây xanh phân tán; Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị…

Đối với phát triển giao thông đô thị, mục tiêu phấn đấu là đến năm 2025 tỷ lệ đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt khoảng 11-16%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn đáp ứng khoảng 25-30%.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất một số giải pháp: Đổi mới công tác quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp với xu thế phát triển đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị tại các đầu mối giao thông đô thị lớn (TOD).

Bố trí đủ đất cho hệ thống giao thông theo quy hoạch; Đổi mới nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hệ thống giao thông; Kiên quyết có lộ trình hợp lý kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân…

Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, KTS Đinh Đăng Hải (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) chia sẻ quan điểm: Không gian xanh rất quan trọng đối với các hành động vì khí hậu, sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội.

Cả không gian xanh và giao thông xanh, an toàn có thể giúp các thành phố, các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, không gian xanh nên ở gần và có khả năng tiếp cận an toàn để bảo đảm chúng được sử dụng và xem xét một cách tích cực. An toàn giao thông cần được ưu tiên tích hợp vào quá trình lập kế hoạch và thiết kế của bất kỳ dự án phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng nào. Các công cụ toàn diện có thể được sử dụng để phát triển không gian xanh…

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đồng thời thảo luận về các sáng kiến phát triển công viên cây xanh và giao thông đô thị an toàn bền vững…

PGS.TS Mai Thị Liên Hương nhận định: Các chia sẻ về tiếp cận hạ tầng xanh tại Hội thảo sẽ được Cục Hạ tầng kỹ thuật tiếp thu. Bởi đây là những kinh nghiệm quý báu hỗ trợ Cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, nhất là trong việc hoạch định chính sách, các chương trình hành động nhằm xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Để nhanh chóng triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức HealthBridge, World Resources Insitute đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 3 đơn vị nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các bên trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị xanh, thông minh ở Việt Nam.

Hợp tác trong phát triển hạ tầng xanh

Theo thỏa thuận hợp tác 3 bên giữa Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức HealthBridge, World Resources Insitute trong phát triển hạ tầng đô thị xanh, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng gồm: Phát triển hạ tầng công viên, cây xanh, mặt nước trong đô thị; Phát triển hạ tầng giao thông đô thị an toàn cho đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng.

Một số nội dung và hoạt động hợp tác dự kiến gồm: Thực hiện các nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế về dữ liệu thiết yếu, tài liệu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ đô thị an toàn và cây xanh sử dụng công cộng đô thị; Nghiên cứu chính sách và hiện trạng phát triển cây xanh, không gian xanh công cộng đô thị tại một số đô thị tại Việt Nam; Nghiên cứu chính sách và hiện trạng hạ tầng đường bộ an toàn đối với nhóm người tham gia giao thông dễ tổn thương tại các đô thị lớn tại Việt Nam…

Hỗ trợ tổ chức các hội nghị tập huấn xây dựng năng lực ở cấp quốc gia và địa phương, tập huấn cho chính quyền các đô thị trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ đô thị an toàn và cây xanh sử dụng công cộng đô thị; thiết kế đường phố an toàn và bền vững và thẩm tra an toàn đường bộ...

Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn quốc tế để sửa đổi và hoặc lập mới các hướng dẫn, tiêu chuẩn và thực hành liên quan giúp xây dựng đường phố và di chuyển an toàn hơn, phát triển cây xanh và không gian xanh công cộng đô thị tại Việt Nam…

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-ha-tang-do-thi-xanh-an-toan-va-ben-vung-318044.html