22/11/2024 | 05:45 GMT+7, Hà Nội

Phát hiện xưởng sản xuất bia có dấu hiệu giả mạo nhãn mác, thương hiệu

Cập nhật lúc: 21/09/2019, 09:00

Lực lượng chức năng vừa phát hiện cơ sở sản xuất bia của Cty TNHH Đại Việt châu Á sử dụng vỏ bom bia của thương hiệu khác để đóng bia do mình sản xuất, sau đó đưa ra thị trường.

Chiều 19/9, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - Cơ quan Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội cho biết, Đội QLTT số 24 của Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện dấu hiệu nghi vấn trong kinh doanh tại Công ty TNHH Đại Việt Châu Á, ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh bia hơi, do ông Phạm Hồng Quyền làm Giám đốc. Lực lượng chức năng phát hiện 24 keg bia đã được san chiết thành bia thành phẩm có thông tin được in trên vỏ keg mang các thương hiệu như KingBeer; Bia Sancon Hà Nội; Bia tươi Specialken; Bia tươi cao cấp KingStar; Bia tươi cao cấp X.O; Bia Nada và 121 chiếc vỏ keg bia hơi có dấu hiệu được sử dụng để sản xuất hàng hóa giả mạo tên thương hiệu.

Đại diện công ty không xuất trình được Bản tự công bố sản phẩm đối với 2 dòng sản phẩm có tên "Star Beer" và "Star Hà Nội".

Nhân viên tại đây đang mài bỏ tên các thương hiệu

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện, thu giữ và niêm phòng nhiều bom bia loại 30 lít, được in bên ngoài là tên thương hiệu bia Việt Hà. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn bắt quả tang nhân viên đang mài bỏ thương hiệu của các hãng bia sau đó dán chồng thương hiệu bia của mình. Theo Đội quản lý thị trường số 24, TP Hà Nội hành vi này hoàn toàn có dấu hiệu của việc làm giả nhãn hiệu.

Hiện tại cơ quan chức năng đang làm việc với các đơn vị bị vi phạm nhãn hiệu để củng cố hồ sơ và xử lý theo pháp luật.

Theo quy định pháp luật, người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý) và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 2 Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (với mức hình bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm):

"Điều 226. Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên."