19/01/2025 | 01:29 GMT+7, Hà Nội

Phạt 2 công ty nhái thương hiệu bao cao su OK

Cập nhật lúc: 12/11/2015, 06:30

Hai công ty có hành vi sản xuất và buôn bán bao cao su mang nhãn hiệu xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu OK của tổ chức DKT International của Hoa Kỳ.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Liên doanh Medevice 3s và Công ty TNHH Thương Mại Trang Thiết bị y tế Việt Đức vì liên quan đến việc sản xuất và buôn bán bao cao su mang nhãn hiệu xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu OK của tổ chức DKT International.

Cụ thể, Công ty Liên doanh Medevice 3s bị phạt số tiền lần lượt là 20 triệu đồng và Công ty TNHH Thương Mại Trang Thiết bị y tế Việt Đức bị xử phạt 12 triệu đồng do vi phạm về quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Nhãn hiệu OKACHOI được làm nhái sản phẩm bao cao su OK.

Nhãn hiệu OKACHOI được làm nhái sản phẩm bao cao su OK.

Trước đó, trong quá trình kiểm tra, Công ty Liên Doanh Medevice 3s đã sản xuất (gia công) sản phẩm bao cao su gắn dấu hiệu “Okchoice”, “Okachoi”, “OKACHOI” tượng tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “OK và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho DKT International (Hoa Kỳ) theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 76638 (cấp ngày 03/11/2006) bảo hộ cho sản phẩm thuộc nhóm 10 (bao cao su), là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Tương tự, Công ty TNHH Thương Mại Trang Thiết bị y tế Việt Đức bị xử phạt vì đã buôn bán sản phẩm bao cao su gắn dấu hiệu “Okchoice”, “Okachoi”, “OKACHOI” tượng tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “OK và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho tổ chức DKT International (Hoa Kỳ).

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu hai công ty này phải loại bỏ yếu tố vi phạm “Okchoice”, “Okachoi”, “OKACHOI” gắn trên các sản phẩm bao cao su được tìm thấy tại buổi kiểm tra dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại Việt Nam, sau gần 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Nhãn hiệu OK của DKT International đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, được sử dụng rộng rãi, lâu dài cho sản phẩm bao cao su và được nhiều người biết đến.  Theo kết quả của một điều tra nghiên cứu thị trường gần nhất, 89% số người tiêu dùng được phỏng vấn tại Việt Nam trả lời có biết đến bao cao su mang Nhãn hiệu OK.

DKT International là một trong những tổ chức cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình lớn nhất thế giới. Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, mục tiêu của DKT là mang đến sự an toàn tình dục và hỗ trợ kế hoạch hoá gia đình.

Việc bán các sản phẩm của DKT không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do đó, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

 a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều 199. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.