19/01/2025 | 02:08 GMT+7, Hà Nội

Phân vùng chống dịch Covid-19 từ 6 đến 21/9 của Hà Nội là khoa học, hợp lý

Cập nhật lúc: 05/09/2021, 19:15

Mỗi quốc gia, dựa trên nền tảng hạ tầng y tế, đã, đang và sẽ đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau. Song tựu chung “lấy con người làm trung tâm”, bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ số một!

Vi rút SARS-CoV-2 là “vô hình”, mắt thường không nhìn thấy. Biến thể Delta tốc độ lây nhiễm rất nhanh nên việc phòng, chống vốn đã khó, với những đô thị mật độ dân số cao như TP.HCM và Hà Nội còn khó hơn nhiều. Viết một vài dòng trạng thái hay vài bài tự “phân tích”, tự “mổ xẻ” trên mạng xã hội thì dễ, song để đề ra được các giải pháp cụ thể, lường được kết quả đem lại, triển khai mới là bài toán khó.

Tăng cường phòng, chống dịch tại các vùng đỏ nhằm sớm bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.
Tăng cường phòng, chống dịch tại các vùng "đỏ" nhằm sớm bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hà Nội đã trải qua 3 lần giãn cách xã hội liên tiếp kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 ập đến. Đến nay, về cơ bản dịch vẫn trong tầm kiểm soát, không bùng phát hay lây lan số lượng lớn. Những ổ dịch như Văn Chương (Đống Đa), Đội Cấn (Ba Đình), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân)… chúng ta đã phát hiện và tiến hành khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm cách ly kịp thời. Tuy nhiên, vì biến chủng Delta lây lan nhanh và vô cùng nguy hiểm, trong bối cảnh giãn cách xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống an sinh, trên địa bàn Thành phố hơn 1 tuần qua số ca nhiễm vẫn ở mức 2 con số. Đa phần các ca phát hiện trong các khu vực cách ly, phong tỏa, nhưng F0 trong cộng đồng phát hiện qua sàng lọc hoặc biểu hiện ho, sốt vẫn còn.

Với quan điểm xuyên suốt “lấy người dân là trung tâm”, “bảo vệ sức khỏe nhân dân là then chốt”, thời gian qua Thành phố đã tranh thủ tối đa thời gian "vàng" khi dịch chớm xuất hiện để khống chế, kiểm soát, ngăn chặn đà lây lan. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng, tránh tình trạng bệnh nặng dẫn đến tử vong. Đồng thời rà soát, xác định những khu vực tương đối an toàn, "vùng xanh" vi rút chưa xâm nhập để cho phép sản xuất - kinh doanh trở lại nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công ăn, việc làm, an sinh cho nhân dân.

Chính vì thế, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, ngày 3/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thành phố đã phân ra 3 vùng để tiến hành áp dụng các cấp độ phòng, chống Covid-19 khác nhau, nhằm vừa chống dịch một cách triệt để, vừa triển khai sản xuất - kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo 5K.

Có thể nói, đây là một cách làm khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện hạ tầng y tế, kinh tế - xã hội của Thành phố. Đối với vùng 1 - “vùng đỏ” (vùng đang có dịch, có nguy cơ cao), tiến hành giãn cách xã hội chặt hơn để tiếp tục bóc tách F0, chặn nguồn lây ra cộng đồng và ra các “vùng xanh”, vùng tương đối an toàn. Đối với vùng 2 - "vùng cam", nguy cơ tấp hơn, tập trung đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh (công nghiệp, thương mại…) để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Vùng 3 - "vùng xanh", tương đối an toàn, tập trung sản xuất nông nghiệp.

Cách phân vùng của Thành phố đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố “chưa ráo mực”, trên không gian mạng đã có không ít ý kiến, luận điểm mang tính thiếu xây dựng. Họ cho rằng, cách làm của Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội là cứng nhắc, duy ý chí và thiếu khoa học. Rằng không thể giãn cách mãi được, sức và nguồn lực sẽ cạn kiệt…

Quan điểm của lãnh đạo Thành phố là luôn cầu thị, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những ý kiến đóng góp tâm huyết, khoa học của giới chuyên môn, trên cơ sở đó chắt lọc cái tinh tuý, song dựa trên nguyên tắc “bất di bất dịch”, nguyên tắc số một là phải đảm bảo sức khỏe nhân dân, tránh gây ra thảm họa y tế.

Chúng ta hãy nhìn sang các nước có nền y học và hạ tầng y tế tốt, tiên tiến hơn nước ta như Mỹ, Anh và một số quốc gia khác. Dẫu mức độ phủ tiêm chủng đã khá cao, nhưng đến thời điểm hiện tại cái giá của “mở cửa” đã phải trả khá đắt. Mỗi ngày tại các quốc gia này có cả vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn ca nhiễm mới, số người tử vong cũng tăng cao. Ngay các quốc gia phát triển như Australia, New Zealand, trước khi tính đến “sống chung với dịch” họ đã phải triển khai nhiều biện pháp rất mạnh mẽ. Các nước Đông Nam Á ngay sát ta, khi đại dịch diễn biến phức tạp cũng đều tiến hành phong tỏa, giới nghiêm…

Đối với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, chúng ta tự biết cơ sở y tế còn có hạn hẹp, trang thiết bị chưa dồi dào. Bên cạnh đó còn hạn chế nguồn cung vắc xin vì khó khăn chung của cả thế giới. Dù rất muốn song Hà Nội chưa thể tiêm nhanh, tiêm đủ vắc xin cho tất cả người dân để tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.

Thử hỏi, với một Thành phố dân số đông, mât độ dân số cao, tập quán kinh doanh, tập quán “văn hóa” vỉa hè, sinh hoạt cộng đồng, tình hàng xóm, ngõ nhỏ chật chội như Hà Nội mà không có các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt thì số người lây nhiễm sẽ như thế nào? Độ chịu đựng của hệ thống y tế sẽ ra sao? Biết đến bao giờ mới trở lại cuộc sống bình thường mới? Và quan trọng hơn sẽ có bao nhiêu người sẽ phải giã từ cuốc sống vì dịch bệnh? Với số ca tử vong hàng ngày được Bộ Y tế công bố, thử hình dung nếu một trong số đấy là người thân của chúng ta, chúng ta sẽ thấy sự tàn khốc của dịch bệnh và sẽ biết ơn giãn cách xã hội, biết ơn Thành phố đang cho chúng ta sống những ngày như hôm nay.

Có thể nói cách triển khai của Hà Nội cùng lúc đạt 2 mục tiêu: Khóa chặt vùng nguy cơ cao để kiểm soát lây nhiễm, sớm giải quyết dứt điểm F0; mở rộng vùng an toàn để sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tránh đứt gãy cho nền kinh tế; đối với vùng 3, đa số làng, xã nên “giải phóng” trên tinh thần 5K để cho bà con, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Đây chính là cách làm linh hoạt, khoa học. “Với văn hóa bia hơi, nếu cứ vội vàng mở cửa, bỏ giãn cách thì không biết bao giờ giải quyết được tình hình và dịch sẽ bùng phát đến đâu.

Cạn kiệt nguồn lực là điều không ai muốn, nhất là lãnh đạo Thành phố, nên phải bằng mọi cách sáng tạo, linh hoạt tháo gỡ khó khăn. Nhưng thiên tai, địch họa thì luôn đồng nghĩa với việc con người phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, “không ai bị đói”, bên cạnh việc giải ngân nhanh gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Thành phố cũng đã ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ an sinh của riêng Hà Nội. Đồng thời, nhiều cách làm hay, nhiểu việc nghĩa tình được các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội, nhân dân triển khai. Các cấp, ngành đã đến từng hộ gia đình vận động giảm tiền thuê nhà cho người lao động bị mắc kẹt với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, đến tận chân công trường, lán trọ để phát quà, các túi an sinh. Nếu có trường hợp cá biệt bị bỏ sót mà người dân phản ánh, chính quyền luôn kịp thời đến tận nơi giúp đỡ để không ai bị bỏ đói.

Giải pháp khoa học, linh hoạt, những cách làm kịp thời, nhân văn đó bên cạnh nhiều người có những đóng góp trí tuệ, hữu ích, tham mưu những giải pháp tăng hiệu quả, vẫn còn một số người đã không chịu nhìn nhận, không hề đề cập, mà chỉ xoáy sâu vào bất cập của “giãn cách”, “rào chắn” với những từ ngữ thiếu thiện chí, thiếu xây dựng. Những người không chịu nhìn nhận đó nên biết rằng cách mà Chính phủ, Thủ đô Hà Nội, TP.HCM… đang triển khai chính là để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, trong đó có chính họ - những người đang cố tình “cổ xúy” những quan điểm lệnh lạc về phòng, chống dịch. Nếu cứ để thả cửa, chưa biết chừng giờ này họ cũng không có sức khỏe để “phóng bút”!

Cần nhắc lại một lần nữa, đại dịch Covid-19 đối với nhân loại hiện đại là chưa có tiền lệ. Mỗi quốc gia nói chung, tỉnh, thành nói riêng đều có những cách triển khai theo phương thức vừa làm, vừa đúc kết và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau dựa trên nền tảng của hệ thống y tế, kinh tế - xã hội và tập quán văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền. Do đó, không thể máy móc, bê nguyên cách chống của nước này áp cho nước khác, của địa phương này cho địa phương khác. Mà phải trên cơ sở thực tế, phân tích thêm kinh nghiệm của các địa phương để đề ra cách triển khai.

Vì vậy, với cách triển khai phòng, chống dịch mới của Hà Nội áp dụng từ ngày 6 đến ngày 21/9 tới đây là hoàn toàn hợp lý.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/phan-vung-chong-dich-covid-19-tu-6-den-219-cua-ha-noi-la-khoa-hoc-hop-ly-129528.html