24/11/2024 | 17:21 GMT+7, Hà Nội

Phân loại cho vay tiêu dùng, điểm khác của cho vay tiêu dùng so với tín dụng ngân hàng

Cập nhật lúc: 25/09/2015, 00:08

Cho vay tiêu dùng hiện đang được coi là xu hướng tất yếu của hoạt động ngân hàng (NH) trong nền kinh tế thị trường.

Khái niệm và đặc điểm cho vay tiêu dùng 

Cho vay tiêu dùng được hiểu là hình thức tài trợ cho mục đích chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình. Các khoản cho vay tiêu dùng là nguồn tài chính quan trọng giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế… trước khi họ có đủ khả năng về tài chính để hưởng thụ.

Cho vay tiêu dùng có những đặc điểm riêng khác với tín dụng NH nói chung

- Khách hàng (KH) vay là cá nhân và các hộ gia đình. 

- Mục đích vay nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình không phải xuất phát từ mục đích kinh doanh. Do đó phụ thuộc vào nhu cầu, tính cách của từng đối tượng KH và chu kỳ kinh tế của người đi vay. 

- KH vay tiêu dùng thường ít quan tâm đến lãi suất mà thường quan tâm đến số tiền họ phải thanh toán.

- Về lãi suất, do quy mô các khoản vay thường nhỏ (trừ những khoản vay để mua bất động sản), dẫn đến chi phí để cho vay cao, do vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn lãi suất cho vay thương mại. 

- Nguồn trả nợ của KH được trích từ thu nhập, không nhất thiết phải là từ kết quả của việc sử dụng những khoản vay đó. Theo đó, những KH có việc làm, mức thu nhập ổn định và có trình độ học vấn là những tiêu chí quan trọng để NHTM quyết định cho vay. 

Phân loại cho vay tiêu dùng 

Nếu căn cứ vào mục đích vay có thể phân loại tín dụng tiêu dùng thành 2 loại: 

Cho vay tiêu dùng cư trú là các khoản cho vay nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng, mua sắm hoặc cải tạo nhà ở của cá nhân, hộ gia đình. 

Cho vay tiêu dùng không cư trú đó là các khoản cho vay phục vụ nhu cầu cải thiện đời sống như mua sắm phương tiện, đồ dùng, du lịch, học hành hoặc giải trí… 

Nếu căn cứ vào hình thức có thể chia cho vay tiêu dùng thành 2 loại: 

Cho vay tiêu dùng gián tiếp là hình thức cho vay trong đó NH mua các khoản nợ phát sinh của các DN đã bán chịu hàng hoá hoặc đã cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng, hình thức này NH cho vay thông qua các DN bán hàng hoặc làm các dịch vụ mà không trực tiếp tiếp xúc với KH.

Với hình thức cho vay này nó có những ưu điểm là: Các NHTM dễ dàng mở rộng và tăng doanh số cho vay, tiết kiệm và giảm được các chi phí khi cho vay. Đây cũng là cơ sở để mở rộng quan hệ với KH và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khác của NH. Hơn nữa, nếu NHTM quan hệ tốt với các DN bán lẻ, thì hình thức cho vay tiêu dùng gián tiếp có mức độ rủi ro thấp hơn cho vay tiêu dùng trực tiếp.

Tuy nhiên, hình thức cho vay này có những hạn chế là: Khi cho vay, các NHTM không tiếp xúc trực tiếp với KH (người vay vốn) mà thông qua các DN đã bán chịu hàng hoá, dịch vụ. Hình thức này thiếu sự kiểm soát của NH (cả trước, trong và sau khi vay vốn) khi DN thực hiện bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, nhất là trong việc lựa chọn KH. Bên cạnh đó, kỹ thuật và quy trình nghiệp vụ của hình thức cho vay này rất phức tạp. 

Hình thức cho vay tiêu dùng trực tiếp: là NH và KH trực tiếp gặp nhau để tiến hành cho vay hoặc thu nợ.

Hình thức này có ưu điểm là NH có thể sử dụng triệt để trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của cán bộ tín dụng, do đó các khoản cho vay này thường có chất lượng cao hơn so với cho vay thông qua DN bán lẻ.  

Hình thức cho vay tiêu dùng trực tiếp linh hoạt hơn hình thức cho vay gián tiếp, vì khi quan hệ trực tiếp, giữa NH với KH sẽ xử lý tốt các phát sinh, hơn nữa có khả năng làm thoả mãn quyền lợi cho cả hai bên.  Do đối tượng KH rất rộng do đó thông qua hình thức này, việc đưa ra các dịch vụ, tiện ích mới là rất thuận lợi, đồng thời là hình thức để tăng cường quảng bá hình ảnh của NH đến với KH.