19/01/2025 | 15:32 GMT+7, Hà Nội

Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong nhóm ASEAN 4

Cập nhật lúc: 02/01/2019, 10:30

Ngày 1/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Năm 2018 môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Ảnh minh họa
 

Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc. Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc năm 2020.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, Nghị quyết đưa ra giải pháp tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo mà Nghị quyết đưa ra là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm (kèm theo mã HS) trong quý I năm 2019. Trước tháng 6 năm 2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này. Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc , Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…

PV