19/01/2025 | 01:22 GMT+7, Hà Nội

Phải niêm yết công khai giá vé tối đa tại các cảng, bến đón trả khách

Cập nhật lúc: 05/05/2019, 01:40

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về vận tải đường thủy nội địa, do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.

Theo VCCI, Dự thảo quy định vé hành khách phải được in theo mẫu. Quy định này phù hợp với hình thức vé giấy. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN và hành khách có nhu cầu sử dụng hình thức vé điện tử. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép DN sử dụng vé điện tử thay thế vé giấy.

Dự thảo yêu cầu DN phải công khai giá vé và chỉ được áp dụng giá mới sau 15 ngày kể từ khi công bố. Quy định như vậy sẽ hạn chế quyền điều chỉnh giá vé của DN phù hợp với thị trường. Ví dụ, trường hợp khách đặt vé sớm có thể được giá thấp hơn, mua vé không đổi không hủy được giá thấp hơn, mua vé giờ chót có thể sẽ phải chịu giá cao hơn.

Hiện nay, việc quản lý giá vé máy bay cũng chỉ dựa trên nguyên tắc Nhà nước ban hành giá tối đa, còn DN sẽ dựa vào cung cầu để xác định giá vé cụ thể cho từng trường hợp.

phai niem yet cong khai gia ve toi da tai cac cang ben don tra khach
Bộ GTVT đề nghị doanh nghiệp vận tải đường thủy phải niêm yết công khai giá vé tối đa tại các cảng, bến đón trả khách.

Để cân bằng quyền lợi giữa hành khách và DN, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng như sau: DN phải niêm yết công khai giá vé tối đa tại các cảng, bến đón trả khách; DN và hành khách tự thỏa thuận về giá vé cụ thể nhưng không được vượt quá giá vé tối đa đã niêm yết.

Về quy định thời gian đóng cửa bán vé tối thiểu là 15 phút trước khi phương tiện xuất bến, theo VCCI, không rõ quy định này nhằm mục đích gì? Vì, việc linh hoạt thời gian bán vé cũng sẽ giúp DN và hành khách thuận tiện hơn trong giao dịch, nên cơ quan soạn thảo cần bỏ quy định này.

Dự thảo quy định số vé bán ra không được vượt quá số người quy định của phương tiện. Theo VCCI, quy định này dường như để bảo đảm DN không bán quá nhiều vé sau đó chở người vượt quá tải trọng phương tiện. Tuy nhiên, việc bán bao nhiêu vé không đồng nghĩa với việc sẽ chở bấy nhiêu người, vì sẽ có trường hợp khách mua vé tháng, khách đã mua vé nhưng bỏ chuyến… “Cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định này. Việc bảo đảm tuân thủ về trọng tải sẽ được thực hiện thông qua việc kiểm đếm số người trên phương tiện, không dựa vào số vé bán ra”, văn bản góp ý nêu rõ.


Đáng bàn, theo Dự thảo, mỗi chuyến vận tải, DN phải lập danh sách hành khách, với nhiều thông tin như họ và tên, tuổi, giới tính, địa chỉ nơi ở, quốc tịch. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều trường hợp hành khách không muốn tiết lộ những thông tin cá nhân như vậy khiến DN vận tải gặp khó khăn.

“Pháp luật hiện cũng không yêu cầu hành khách phải mang và xuất trình giấy tờ tuỳ thân cho DN vận tải. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nghĩa vụ phải lập danh sách hành khách”, văn bản của VCCI nêu.

Để xử lý các tình huống phát sinh, Dự thảo quy định về xử lý vé hành khách trong rất nhiều trường hợp như đi thêm, không đi hết, trả lại vé, hành khách đến muộn… Những quy định này can thiệp quá mức vào quyền tự do thỏa thuận giữa người vận chuyển và hành khách. Điều này có thể khiến các DN giảm sự linh hoạt trong kinh doanh. Ví dụ, khách mua vé không hoàn, không đổi có thể được giá thấp hơn.

Do đó, cần bỏ các quy định này, thay vào đó, yêu cầu các DN vận tải xây dựng điều lệ vận chuyển để xử lý các trường hợp phát sinh và công khai điều lệ đối với hành khách.

Về vận chuyển hành lý ký gửi, bao gửi, theo VCCI, Dự thảo chỉ nên tập trung vào vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ trật tự, vệ sinh môi trường nơi công cộng. Các vấn đề thuộc về hợp đồng dân sự thì nên để DN vận tải và người thuê vận tải tự thỏa thuận theo Bộ luật Dân sự.

Đồng thời, VCCI cũng góp ý vào Thông tư 66/2014/TT-BGTVT. Cụ thể, Điều 4.6 của Thông tư quy định, khi được yêu cầu, DN phải cung cấp cho Sở GTVT, Cục Hàng hải, Cục Đường thủy và các Cảng vụ danh sách hành khách. Theo VCCI, quy định này cần điều chỉnh theo hướng, thông tin về danh sách hành khách và thông tin cá nhân của hành khách chỉ được cung cấp cho cơ quan Nhà nước trong trường hợp cần điều tra tội phạm, xác định nguyên nhân tai nạn.