24/11/2024 | 08:27 GMT+7, Hà Nội

Phải nhanh vì "cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn"

Cập nhật lúc: 06/04/2020, 11:22

Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Dự thảo Nghị quyết đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào ngày 1/4 vừa qua và được Chính phủ thống nhất cao. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Đồng thời, phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc chi trả hỗ trợ phải thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về đối tượng hỗ trợ, Thủ tướng cho biết, cơ bản các ý kiến thống nhất với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.

“Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung” - Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

Thủ tướng lưu ý, phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào, “các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương”.

Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết; các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”.

Nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân, Thủ tướng cho biết, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng về giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng… “Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.