Ông chủ hãng xe Honda: Thành công nhờ không bao giờ từ bỏ
Cập nhật lúc: 07/03/2019, 12:00
Cập nhật lúc: 07/03/2019, 12:00
Bản thân hãng Honda đã phải vượt qua hàng ngàn những thử thách vô cùng khó khăn, trắc trở để có được vị trí như ngày hôm nay.
Câu chuyện về nhà sáng lập Soichiro Honda và bản thân hãng Honda là một nguồn cảm hứng bất tận cho mọi chủ sở hữu doanh nghiệp và chính chúng ta về việc đi lên từ thất bại và niềm tin vào chính bản thân mình.
Sinh năm 1906 trong một gia đình nghèo tại ngôi làng Komyo (nay là thành phố Tenryu), ngay sát chân núi Phú Sĩ, niềm đam mê về xe cộ và động cơ đã đến với cậu bé Soichiro Honda từ khi còn rất nhỏ.
Cha ông là một thợ rèn và mẹ là thợ dệt lành nghề, trò chơi thuở thơ ấu của cậu bé Honda là sửa chữa những chiếc xe đạp trong nhà kho của gia đình.
Ước mơ
Vào cuối năm 1930, Soichiro Honda ấp ủ ước mơ biến niềm đam mê xe hơi của mình thành một công việc kinh doanh.
Ông quyết tâm tự sản xuất một chiếc séc măng (piston ring) kim loại và bán nó cho Toyota, một trong những công ty xe hơi hàng đầu tại thời điểm đó.
Sau hơn hai năm mày mò và hoàn thiện sản phẩm, Honda cuối cùng cũng gửi sản phẩm hoàn thiện của mình cho Toyota. Nhưng không may, sản phẩm của ông đã nhanh chóng bị từ chối.
Không vội đầu hàng trước thất bại, Honda tiếp tục cải tiến séc măng của mình cho đến khi Toyota và cả những công ty khác bày tỏ mong muốn mua nó. Để đáp ứng nhu cầu cho sản phẩm, điều này đòi hỏi ông bắt buộc phải xây dựng một nhà máy sản xuất.
Thật không may, với sự tham gia rất nhiều vào Thế chiến II của Nhật Bản, chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất như vậy đã vượt lên quá cao, ngoài khả năng chi trả của Honda.
Song không vội từ bỏ, Honda vạch ra cho mình một một cách mới để xây dựng nhà máy sản xuất và kế hoạch của ông đã nhanh chóng được thực hiện.
Sự phức tạp của cuộc chiến
Công ty sản xuất pít-tông của ông thành công một cách nhanh chóng và Honda đã sớm nghĩ ra những phương pháp mới để cải tiến, làm cho séc măng hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn bất kỳ nhà sản xuất nào khác trên thế giới.
Thật không may, trở ngại tiếp theo của ông lại hiện hữu ở ngay trước mắt. Khi quân đội Mỹ tăng cường ném bom Nhật Bản, nhà máy sản xuất pít-tông của Honda đã bị tấn công và phá hoại nhiều lần.
Nhưng tại thời điểm đó, Honda đã nắm trong tay điều kiện để biến nghịch cảnh ấy thành cơ hội cho chính mình. Ông nhanh chóng nhận ra rằng sau các vụ đánh bom, phi công Mỹ thường thả những lon xăng thừa xuống nhằm giúp cho phi cơ của họ trở nên nhẹ hơn khi bay quay trở về nhà.
Honda gọi lon xăng là "những món quà nhỏ từ Tổng thống Truman" và ông đã sử dụng chính nguồn nhiên liệu miễn phí này để bù đắp cho chi phí sửa chữa các nhà máy sản xuất của mình.
Với cuộc chiến ngày càng tiến đến hồi kết, tưởng chừng như Honda đã sống sót qua mọi cơn bão tồi tệ nhất và khoảng thời gian tươi sáng hơn đang đến gần. Nhưng viễn cảnh đó đã thay đổi vào ngày 13 tháng 1 năm 1945, khi một trận động đất lớn đã quét đi tất cả các nhà máy sản xuất của Honda, khiến họ phá sản hoàn toàn.
Honda đã bán quy trình sản xuất của mình cho Toyota với suy nghĩ rằng công ty của ông đã đi đến hồi kết.
Sự hồi sinh
Ngay sau chiến tranh, Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, khiến cho việc lái ô tô gần như là không thể. Những người phải đi làm chỉ còn hai lựa chọn: đi tàu hoặc đi xe đạp. Trong khi di chuyển bằng tàu có thể mất tới một ngày.
Honda đã nảy ra ý tưởng đặt một chiếc mô tô nhỏ ở phía sau xe đạp để làm tăng đáng kể tốc độ di chuyển, đồng thời giúp tiết kiệm sức lực cho người lái.
Sau khi thử nghiệm phát minh này trên chiếc xe đạp của mình, ông đã nhanh chóng nhận được hàng loạt các yêu cầu chế tạo xe đạp cho gia đình và bạn bè. Và chỉ như vậy, có vẻ như Công ty mô tô Honda đã hoạt động trở lại.
Honda lại tiếp tục gặp phải một trở ngại khác khi chi phí chế tạo những chiếc xe đạp cơ giới vượt lên quá cao mà ông lại không thể tìm được bất kỳ nhà đầu tư nào.
Tại thời điểm này, có lẽ bạn đã đoán được những gì Honda làm tiếp theo, ông đã không cho phép trở ngại này khuất phục mình.
Honda viết thư tay cho 18.000 cửa hàng xe đạp giải thích về phát minh xe máy của mình và cách nó sẽ tăng doanh số bán cho họ. Ông đã thành lập các liên minh chiến lược với một số cửa hàng xe đạp và sớm có đủ tiền đầu tư để bắt đầu sản xuất chiếc xe đạp cơ giới đầu tiên của mình.
Từ những khởi đầu vô cùng khiêm tốn này, Honda đã trở thành một trong những công ty mô tô hàng đầu thế giới. Họ tuyển dụng hơn 100.000 nhân viên và có mặt ở mọi quốc gia lớn trên thế giới.
Từ câu chuyện về nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới và Soichiro Honda, chúng ta có thể thấy được cho dù cuộc sống có chứa đầy khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, chỉ cần bạn nỗ lực, cố gắng và nhất định không từ bỏ ước mơ, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, sắc bén, và ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu cuộc đời mình.
15:00, 06/03/2019
10:00, 02/03/2019
20:01, 26/02/2019