22/11/2024 | 09:03 GMT+7, Hà Nội

Ô nhiễm không khí trong nhà, những nguy cơ ẩn mình và biện pháp khắc phục

Cập nhật lúc: 23/10/2020, 07:22

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.

Việt Nam hiện đang nằm trong top những nước ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, chỉ số ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn ở mức báo động. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, chỉ riêng khu vực nội thành Hà Nội đã thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho các chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp.

Đáng chú ý, ô nhiễm không khí trong nhà còn cao hơn nhiều lần so với không khí ngoài trời. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 4 triệu ca tử vong mà thủ phạm là ô nhiễm không khí trong nhà. Theo Cục Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ (EPA), không khí trong nhà ô nhiễm gấp 2,5 lần không khí ngoài trời.

Ô nhiễm không khí trong nhà là gì?

Thực tế, không khí trong nhà mà bạn hít thở là một loại hỗn hợp khí nguy hiểm bao gồm các chất kích thích, chất gây ung thư, hóa chất gây hại, chất gây độc thần kinh, mạt bụi nhà, chất gây dị ứng và vi trùng… Chúng đến từ các hoạt động thường ngày trong ngôi nhà của bạn. Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi độ tuổi. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rối loạn phát triển, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Những nguy cơ ẩn mình

Có một thực tế là có những nguồn ô nhiễm luôn tồn tại ngay trong ngôi nhà chúng ta đang ở hàng ngày. Ô nhiễm không khí trong nhà thường do bên ngoài xâm nhập vào hoặc được thải ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Do đã quen dần với môi trường trong nhà, chúng ta hầu như rất khó cảm nhận được các khí độc hại này mà không hề biết rằng khi tiếp xúc với chúng này, con người có thể bị kích ứng, tích tụ trong thời gian lâu dài sẽ gây ra các căn bệnh nghiêm trọng bao gồm cả ung thư.

Ô nhiễm không khí tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra 11 nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất hiện diện ở hầu hết các hộ gia đình: Sự tăng trưởng của nấm mốc; sưởi ấm, nấu ăn bằng các loại than; thảm chùi chân, thảm trải sàn; sơn tường; khói thuốc lá; hóa chất tẩy rửa; sơn, véc ni trên đồ gia dụng, nội thất; sáp thơm, xịt phòng nhân tạo làm mát không khí; nến; sử dụng hóa mỹ phẩm có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC); thú cưng. Các nhà khoa học cho biết, môi trường trong nhà có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) từ sàn, bàn ghế, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng... có thể gây ra kích ứng cho mắt, mũi và họng. Formaldehyde là một chất có khả năng gây ung thư cao khác chứa trong đồ gia dụng chạy bằng gas, bông cách nhiệt, vải, thảm, mỹ phẩm... Formaldehyde gây ra kích ứng mắt, mũi, họng, buồn nôn khi con người vô tình tiếp xúc phải.

Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi độ tuổi. 

Ngoài các khí độc hại như trên, các nghiên cứu cũng chỉ ra môi trường ẩm ướt, không đủ khô thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi trong nhà. Phần lớn trong số đó gây dị ứng và có thể gây ra các bệnh như hen suyễn, sốt.

Những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà:

Hãy thực hiện những điều sau để đảm bảo rằng bạn có thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà:

1. Không hút thuốc

Không cho phép bất cứ ai hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ thứ gì có chứa nicotine trong nhà của bạn.

2. Không nấu ăn bằng nhiên liệu hóa thạch (than đá)

Việc sử dụng than củi, than đá để nấu ăn hay sưởi ấm làm sản sinh khói và muội than dẫn đến không khí trong nhà bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thay vào đó, bạn có thể dụng các thiết bị nấu nướng bằng điện để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.

3. Thông gió, lọc khói, lọc không khí cho ngôi nhà

Nếu hệ thống thông gió của gia đình bạn đã quá cũ kỹ, hãy cải tạo lại nó và nếu có thể hãy lắp đặt cửa sổ lớn hơn. Thường xuyên mở cửa lớn, cửa sổ để không khí được lưu thông. Điều này có thể giúp các chất ô nhiễm bên trong nhà có thể thoát ra ngoài và không gian sống được ánh mặt trời chiếu vào nhiều hơn.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng máy hút mùi cho gian bếp để loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong nhà. Ngoài ra, nếu có điều kiện bạn nên trang bị cho ngôi nhà máy lọc không khí. Thiết bị này giúp loại bỏ tác nhân gây ô nhiễm từ không khí trong nhà và cung cấp cho bạn không khí sạch.

4. Kiểm soát sự tăng trưởng của nấm mốc

Nếu có sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn nên điều chỉnh độ ẩm trong nhà ở mức từ 40 – 50% để kiểm soát sự phát triển của nấm mốc và nấm.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên chọn sử dụng các loại điều hòa có chức năng phóng thích i-on hydro và oxy hoạt tính cũng như có khả năng lọc bụi và mạt bụi, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng trong không khí ở mức cao. Khi kết hợp với các chất có hại gốc OH, nấm mốc, vi khuẩn… i-on hydro và oxy hoạt tính sẽ chuyển hóa chúng thành nước vô hại.

5. Nói không với các sản phẩm có mùi thơm

Tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần là hương liệu tổng hợp như chất tẩy rửa, nhang, chất khử mùi, chất phun diệt côn trùng, tinh dầu tổng hợp… những thứ có thể tạo ra hợp chất dễ bay hơi gây ô nhiễm nặng nề cho bầu không khí trong nhà.

6. Không sử dụng băng phiến (long não)

Nhiều người có thói quen bỏ băng phiến trong tủ quần áo, nhà tắm để đuổi gián và khử mùi. Tuy nhiên băng phiến chứa naphthalene, một hóa chất dễ bay hơi, gây các chất ô nhiễm tồn tại dưới dạng khí.

7. Lau và hút bụi thường xuyên

Máy hút bụi là một trong những thiết bị vệ sinh giúp kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà hiệu quả nhất. Chúng giúp loại bỏ các hạt bụi bám trên các bề mặt, mạt bụi nhà và nhiều yếu tố gây ô nhiễm khác.

Nếu không có máy hút bụi, bạn cần lau bụi thường xuyên để đảm bảo không gian sống được sạch sẽ. Trong khi lau bụi, bạn nên đeo khẩu trang loại có thể lọc được bụi mịn để tránh hít phải các yếu tố gây ô nhiễm.

8. Giặt quần áo mới, chăn, drap, vỏ gối… trước khi sử dụng

Các loại vải mới thường được xử lý bằng hóa chất, do đó, bạn nên giặt sạch trước khi sử dụng để tránh các nguy cơ kích ứng.

9. Tránh dùng sơn có chứa chì

Trong lần sơn nhà sắp tới, bạn nên chọn mua sơn không có chứa chì để sơn cho tường nhà nhằm bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

10. Để giày dép bên ngoài

Giày dép bạn đi có thể là nguồn phát tán các tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng từ môi trường bên ngoài vào trong nhà. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã làm sạch giày dép kỹ lưỡng trước khi mang chúng vào nhà hoặc để giày dép bên ngoài không gian sống. Tốt nhất, bạn nên đặt tủ giày ngoài sân thay vì để trong phòng khách hay phòng ngủ. Sau khi ở bên ngoài về, bạn nên rửa sạch chân tay để đảm bảo vệ sinh.

11. Chỉ mua thảm được chứng nhận an toàn

Khi chọn mua thảm, bạn hãy chắc chắn rằng những tấm thảm mà bạn chọn được nhuộm tự nhiên để đảm bảo an toàn, tránh chọn thảm có màu quá đậm vì chúng thường được nhuộm quá nhiều màu. Điều này giúp các thành viên trong gia đình giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các chất hóa học có hại.

12. Cài đặt báo động khói và dò khí carbon monoxide

Việc lắp đặt hệ thống báo khói và máy dò carbon monoxide có thể là những khoản đầu tư mà bạn nên cân nhắc thực hiện để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong nhà.

13. Sử dụng chất tẩy rửa hữu cơ

Nếu có thể, bạn nên chuyển sang sử dụng các chất tẩy rửa hữu cơ để giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe.

14. Thêm cây xanh vào không gian sống

Không có gì có thể ngăn chặn ô nhiễm trong nhà hoặc ngoài trời hiệu quả như cây xanh. Cây xanh là những cỗ máy lọc không khí tự nhiên tuyệt vời nhất. Hãy thêm cây xanh vào không gian sống để có được bầu không khí tốt hơn.

15. Giữ cho phòng tắm và nhà bếp luôn khô ráo

Phòng tắm và nhà bếp là những nơi có độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển. Do đó, hãy giữ cho các khu vực này luôn khô thoáng. Nếu vòi nước bị rỉ nước, bạn cần sửa hoặc thay mới ngay, tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

16. Sử dụng sản phẩm làm đẹp đúng chỗ và tiết kiệm

Việc sử dụng keo xịt tóc, nước hoa, tẩy sơn móng tay… nên được thực hiện trong phòng thoáng khí hoặc gần cửa sổ. Khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp, bạn nên sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.