23/11/2024 | 17:11 GMT+7, Hà Nội

Nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

Cập nhật lúc: 30/06/2019, 07:00

Với sự nỗ lực rất lớn, bên cạnh một vài hạn chế, Hà Nội đã có được sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó việc kiểm soát lạm phát đã đạt được những hiệu quả tích cực...

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, CPI trên địa bàn Hà Nội tháng 6 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 6, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,52%), do các mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, rau xanh tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,45%. Nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm giao thông giảm 1,51% do giá xăng dầu giảm; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,31%; bưu chính viễn thông giảm 0,32%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI bình quân 6 tháng năm nay tăng do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2018 và chủ yếu tăng do sự tăng giá của nhóm hàng thực phẩm (tăng 6,46%) như thịt gia súc tươi sống (tăng 10,64%), gia cầm (tăng 7,13%) và rau xanh (tăng 11,96%).

no luc kiem soat chi so gia tieu dung
Ảnh: Người dân luôn quan tâm, lưu ý đến khả năng chi tiêu hàng ngày của gia đình, đối phó với khả năng gia tăng của CPI.

Bên cạnh đó, do nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,78% do tăng giá dịch vụ sửa chữa nhà ở và tăng 16,02%; giá điện tăng 9,34%; Nhóm giáo dục tăng 12,7% do thực hiện Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018, từ tháng 9/2018 giá học phí các trường PTCS và PTTH được điều chỉnh tăng và lộ trình tăng mức trần học phí đối với các trường cao đẳng, đại học theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Vì vậy, đến tháng 9-2018 hầu hết các trường CĐ, ĐH đều có sự điều chỉnh mức giá tăng học phí, trong đó các trường CĐ có mức tăng bình quân 17,18%, các trường ĐH có mức tăng bình quân 23,57%. Đây cũng là nguyên nhân CPI tháng 6 tăng.

Cũng trong tháng này, giá vàng tăng trở lại với mức tăng 1,89% so với tháng trước; giá đô la Mỹ của các ngân hàng tăng nhẹ 0,38%. Bình quân 6 tháng đầu năm, giá vàng tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2018; giá USD tăng 2,21%.

Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2532/UBND-KT chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị triển khai các nhiệm vụ kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn.

TP giao Sở Công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng có xu hướng biến động như xăng dầu, ga, thịt lợn… tác động trực tiếp đến chỉ số CPI. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Giao Sở Tài chính tham mưu giúp UBND TP thực hiện tốt công tác điều hành giá, nhất là các nhóm đang tăng cao (như giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng…) và giá các mặt hàng thiết yếu. Nắm bắt kịp thời các mặt hàng có xu hướng tăng ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong các tháng cuối năm 2019. Tăng cường kiểm tra giá trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao các địa phương bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị và các nhu yếu phẩm khác nhằm chủ động ứng phó các tình huống xảy ra. Phối hợp chặt chẽ các Cty thủy lợi rà soát các vùng ở khu vực hạ du, hồ chứa tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; xây dựng phương án và chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra ngập lụt.

Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy lợi, xây dựng phương án ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản nhân dân trong khu vực. Chỉ đạo giải tỏa các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là các tuyến sông, trục tiêu chính, bảo đảm an toàn dẫn nước tiêu úng khi có mưa, lũ xảy ra.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nhân lực, năng lực ứng phó của người dân; tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu.

UBND TP Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đến hết năm 2019.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/no-luc-kiem-soat-chi-so-gia-tieu-dung-153626.html