Những yếu tố giúp “Squid game” thành công toàn cầu
Cập nhật lúc: 06/10/2021, 14:00
Cập nhật lúc: 06/10/2021, 14:00
Thể loại sinh tồn, nơi các nhân vật được đặt vào những thử thách mà ranh giới sống – chết cực kỳ mong manh vốn không mấy xa lạ qua nhiều tác phẩm như Battle Royale (2002), The Gods will (2014), Alice in Boderland (2020), hay loạt phim điện ảnh The Hunger Game.
“Trò chơi con mực” được đánh giá là có nhiều điểm giống với những tựa phim kể trên nhưng đồng thời cũng có những yếu tố khiến phim trở nên khác biệt. Trong đó, việc khắc họa nên một thế giới có sự đối lập nhau giữa hai nơi: Ngoài xã hội và trong trò chơi là điểm đáng chú ý.
Nếu như ở bên ngoài, các nhân vật được sống nhưng phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ cùng sự truy đuổi của nhiều thế lực, thì khi bước vào trò chơi họ dù phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào nhưng lại có cơ hội thoát ra với số tiền đủ giúp họ thoát khỏi cảnh sống “địa ngục” và sung túc đến cuối đời.
Mỗi nhân vật chính trong phim là một biểu hiện cho những mặt trái của xã hội. Nam chính Seong Gi Hun (Lee Jung Jae) là người từng có công việc ổn định nhưng do công ty thua lỗ nên anh lâm vào nợ nần. Sang Woo (Park Hae Soo) thuộc tầng lớp tri thức, niềm tự hào của gia đình vì chơi cổ phiếu thất bại mà cũng sa sút.
Phim còn khai thác cô gái nhập cư từ Triều Tiên. Kang Sae Byeok (Jung Ho Yeon) sống bằng nghề móc túi và nuôi ước mơ đổi đời. Hay cuộc đời của thanh niên lao động trái phép từ Pakistan bị ông chủ ăn chặn lương và một tên du côn luôn nuôi ý định ăn thua cũng là điểm đáng chú ý.
Theo dõi bộ phim nhiều khán giả, nhất là người trẻ có thể cảm thấy đồng cảm với sự xa lánh và oán hận trong cuộc sống thực. Theo chuyên gia, bộ phim phơi bày mặt trái của xã hội siêu cạnh tranh ở Hàn Quốc và các nước láng giềng Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy làm việc chăm chỉ và có ước mơ, không phải ai cũng có thể vào đại học tốt, kiếm được công việc ổn định.
Theo BBC, thể loại này tuy không mới nhưng các trò chơi dễ hiểu, xoáy sâu vào tâm lý con người giúp phim thu hút khán giả toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Hwang Dong Hyuk nói: “Điều trớ trêu là gần 500 con người trưởng thành liều mạng trong vô vọng để giành chiến thắng ở loạt trò chơi dành cho trẻ em. Các trò chơi đơn giản, luật chơi dễ hiểu giúp người xem dễ dàng theo dõi và tập trung vào các nhân vật”.
“Squid game” mang lại cảm giác hoài cổ cho nhiều khán giả khi họ được xem lại những trò chơi thơ ấu. Chẳng hạn trò “đèn xanh, đèn đỏ” ở tập 1, hay trò “tách kẹo” ở tập 2 đều là những trò chơi dân gian quen thuộc với trẻ em châu Á, nhất là người Hàn Quốc. Đặc biệt là trò chơi con mực cuối cùng cũng là tựa đề của phim.
Thông qua mỗi phần chơi tâm lý và câu chuyện của các tuyến nhân vật chính được khai thác chi tiết cụ, cụ thể hơn. Qua đó ta biết được những gì mà họ đã phải đối mặt trước khi bước vào cuộc chiến sinh tồn ở “Squid game”. Tất cả đều chân thực và đánh vào cảm xúc của người xem.
Khâu xây dựng bối cảnh của “Squid game” được chăm chút khá tỉ mỉ bởi đoàn làm phim. Những lối đi đầy màu sắc cùng đoàn người nối nhau trên các bậc cầu thang mang lại cảm giác như họ đang trong một trò chơi điện tử. Không gian nghỉ ngơi của người chơi được sắp xếp rộng rãi giúp họ thoải mái hơn.
Một số phần chơi ekip đã dựng nên những bối cảnh hoành tráng. Ví dụ ở trò thứ nhất là khu đất rộng lớn nơi một con búp bê máy rất lớn điều khiển tất cả người chơi; ở trò “giành bi” đoàn phim đã dựng hẳn một khu phố đặc trưng của Hàn Quốc với khung cảnh hoàng hôn đầy hoài niệm.
Mức độ máu me của phim không đáng sợ như The Walking Dead, nhưng cảnh giết chóc dồn dập trên nền nhạc trẻ em hay nhạc cổ điển gây ám ảnh, cách mô tả trò chơi hấp dẫn làm nên thành công cho “Squid game”. Nó như một cách để giới nhà giàu tận hưởng và tiêu khiển trong khi kẻ nghèo phải khốn đốn.
Nguồn: https://congluan.vn/nhung-yeu-to-giup-squid-game-thanh-cong-toan-cau-post159794.html
10:36, 07/02/2021
10:36, 06/02/2021
15:06, 03/02/2021