Những ý kiến trái chiều về phát ngôn “Mất giấy phép lái xe phải thi lại”
Cập nhật lúc: 09/03/2019, 20:00
Cập nhật lúc: 09/03/2019, 20:00
Mất GPLX phải thi lại là bất hợp lý!
Sáng 6-3, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Trình bày báo cáo nghiên cứu về tình hình trên, bà Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, trong công tác đào tạo, cấp GPLX (GPLX) còn một bộ phận học viên có tâm lý "không muốn học bài bản nhưng muốn có giấy phép". Nắm bắt tâm lý này, nhiều cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành; thay vì dạy bài bản thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi", "bao đỗ" tại một số cơ sở.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an nhằm cung cấp thông tin những trường hợp bằng giả, vi phạm để phục vụ công tác xử lý của cơ quan chức năng.
"Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3", ông Thể nói.
Ngay sau khi thông tin ông Thể đề xuất những người mất bằng lái xe phải thi lại được đăng tải trên báo chí đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của lái xe và người dân. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Hằng - Cty Luật TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Lê Hằng cho biết, hiện nay, theo quy định Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 7-11-2012 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ thì người bị mất GPLX được cấp lại trong các trường hợp sau: “Người có GPLX bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, còn hồ sơ gốc, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại GPLX”.
Thông tư 12 cũng quy định rất rõ về việc mất GPLX, số lần mất GPLX, điều kiện và thủ tục cấp GPLX. Người mất chỉ phải thi lái phần sát hạch lý thuyết khi giấy tờ quá hạn, không còn hồ sơ gốc, lái xe có vi phạm.
Người mất GPLX phải thi sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX khi: “Trường hợp quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, còn hồ sơ gốc hoặc không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX”.
Người có GPLX bị mất lần thứ 2 trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp lại cho GPLX bị mất lần thứ nhất, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.
Đối với trường hợp mất GPLX lần thứ 3 thì người có GPLX bị mất từ lần thứ 3 trở lên trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp lại cho GPLX bị mất lần thứ 2, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.
Như vậy, theo quy định nói trên, đã có lộ trình rõ ràng cho việc cấp lại GPLX, nếu mất GPLX lần thứ nhất sẽ được cấp lại GPLX tuy nhiên kể từ lần mất thứ hai nếu thời gian mất thuộc khoảng 2 năm kể từ ngày được cấp lại GPLX bị mất lần thứ nhất thì không được cấp lại mà phải thi sát hạch lý thuyết để cấp lại giấy phép xe. Đối với trường hợp mất GPLX lần thứ ba trở đi thì phải thi sát hạch lại cả lý thuyết lẫn thực hành để được cấp lại GPLX.
Với đề xuất phương án mới của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: “Tất cả ai mất GPLX là phải thi lại” xuất phát từ việc nôn nóng hạn chế ngăn ngừa đối với những trường hợp bằng giả, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề xuất này cần phải xem xét về mặt thực tiễn và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đề xuất thi lại lấy GPLX được xem là bất hợp lý |
Thi lại gây tốn kém…
Về vấn đề trên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, đề xuất tất cả những ai mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý và không đúng pháp luật.
“Việc cấp lại bằng lái xe và một số giấy tờ như chứng minh thư, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm... được quy định rất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Người dân và cơ quan Nhà nước phải tuân thủ theo các quy định đó. Trường hợp có những đề xuất mới phải đưa ra các cấp có thẩm quyền như Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Quốc hội... và phải được lấy ý kiến rộng rãi”, ông Bùi Danh Liên nói.
Luật sư Lê Hằng cho rằng, Bộ GTVT yêu cầu mất GPLX phải thi lại là bất hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Ảnh: Công Phương |
Ông Liên cho biết thêm, ông ủng hộ việc cấp lại bằng lái xe cho những người gây ra tai nạn, làm trái quy định của Luật An toàn giao thông đường bộ thì phải học lại toàn bộ Luật. Bởi, dù họ đã học rồi nhưng họ vẫn cố tình làm trái luật nên phải áp dụng hình thức như vậy.
Tuy nhiên, không thể áp dụng chung cho các trường hợp người dân đánh mất bằng lái xe phải học lại, thi lại hoàn toàn sẽ rất tốn kém, lãng phí cho cơ quan Nhà nước và chính người dân. Bởi vì, trong những người mất bằng lái xe có nhiều người đã học luật, am hiểu và rất ý thức khi tham gia giao thông. Do đó, không cần phải gây tốn kém cho họ, cái gì làm được cho người dân đỡ khổ thì phải cố gắng làm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký văn bản chỉ đạo sau đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” Ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành Văn bản số 2067/BGTVT-TCCB yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước. Tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời đề xuất các các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX. |
Công Phương
07:45, 19/02/2019
13:11, 23/01/2019
15:20, 21/01/2019