19/01/2025 | 19:22 GMT+7, Hà Nội

Những phương tiện nào sẽ bị cấm trong giai đoạn chạy thử tuyến buýt nhanh?

Cập nhật lúc: 15/12/2016, 06:18

Tuyến buýt nhanh (BRT) Hà Nội sẽ được đưa chạy thử và khớp nối kỹ thuật vào ngày mai, 15/12. Và đến đầu năm 2017 tới đây tuyến buýt này mới chính thức đi vào hoạt động.

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, có 29 xe buýt nhanh được đưa vào vận hành, tần suất dự kiến từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ trung bình 22-30km/h, thời gian vận hành 1 lượt là 45-50 phút.

Tuyến buýt này có lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn – Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.

Vừa qua, Liên ngành Sở Giao thông vận tải và Công an TP Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổ chức giao thông để vận hành tuyến bút nhanh này.

Tuyến buýt nhanh Hà Nội được đưa vào chạy thử nghiệm từ 15/12/2016

Theo đó, phần đường dành riêng cho xe buýt nhanh sẽ được sơn vạch liền, kết hợp đinh phản quang tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh. Đoạn đường phân làn dành riêng cho xe buýt này có chiều dài khoảng 12,2 km.

Các đoạn không bố trí làn dành riêng cho xe buýt bao gồm: Yên Nghĩa – ngã 3 Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ, với chiều dài khoảng 2,5 km.

Các nút giao trên tuyến được tổ chức đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT.

Song song với đó, Hà Nội sẽ hạn chế các phương tiện khác dọc hành lang BRT, cấm xe tải, ô tô chở hàng khối lượng chuyên chở từ 500kg trở lên, xe khách, hợp đồng... hoạt động trong giờ cao điểm (6h-9h sáng, 16h30-19h30 chiều) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông, đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc.

Xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.

Lộ trình tuyến buýt nhanh 

Riêng với xe taxi sẽ bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm (6h-9h sáng, 16h30-19h30 chiều) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương.

Trường hợp xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường. Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở Giao thông vận tải.

Tại các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện trên hoạt động bình thường.

Ngoài ra, tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT cũng bị cấm dừng đỗ.

Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông.

Chia sẻ trên Zing mới đây, ông Hà Huy Quang Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội cho hay, việc cấm xe như trên là để xe buýt hoạt động được thông suốt và tránh những xung đột với các phương tiện giao thông khác.

Giá vé dự kiến cho tuyến buýt nhanh này là 7.000 đồng/lượt.