18/01/2025 | 20:05 GMT+7, Hà Nội

Những phong tục đón năm mới của người dân tộc miền núi phía Bắc

Cập nhật lúc: 26/01/2020, 19:00

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất Việt Nam và với 54 dân tộc anh em cũng sẽ có những phong tục khác nhau trong dịp này. Dưới đây là những phong tục đón Tết khác lạ của một số dân tộc ở vùng núi phía Bắc nước ta.

Tục gọi hồn của người Thái

Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái ở vùng núi Tây Bắc chỉ ăn Tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới.

Người Thái có tục gọi hồn vào dịp Tết

Vào tối 28, 29 hoặc 30, gia đình người Thái thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà.

Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.

Người Thái có tục đón giao thừa “Pông Chay”. Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng “chào đón tổ tiên xuống tề tựu”.

Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mồng 1 đầu năm, người Thái còn tổ chức lễ gội đầu vào sáng mồng 1 để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Người Mường Gọi trâu về ăn Tết

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình, về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người Mường có tục lệ gọi vía trâu

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Người Lô Lô ở Hà Giang quan niệm thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi…

Người Lô Lô có tục lấy trộm cầu may

Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì.

Người Pu Péo hò nhau cướp giọng gà

Đón giọng gà hay cướp giọng gà là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Khi giao thừa đến, sắp sang năm mới, người ta phải canh chừng mấy chú gà trống. Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là người ta đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Người Pu Péo quan niệm: Tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Người Cao Lan niêm phòng nhà bằng giấy đỏ

Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt) trong nhà. Khoảng trước Tết 2 ngày là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Xem bói gan lợn thiến

Thịt lợn là vật phẩm bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Hà Nhì. Những con lợn được chọn để mổ là giống đực. Chúng sẽ bị thiến từ đầu năm để vỗ béo.

Tục bói gan lợn của người Hà Nhì

Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình dân tộc này đều mổ lợn để ăn mừng năm mới. Khi mổ, người Hà Nhì sẽ giữ lại lá gan để xem bói giống như một số người Kinh xem bói bằng chân gà.

Lá gan mang lại sự sung túc, ấm no cho gia đình là lá gan có hình thù còn lành lặn, căng bóng, có màu sắc đẹp và không có đốm lạ bất thường. Điều này còn giúp họ có niềm tin vào một năm chăn nuôi phát triển, gia đình thuận hòa.