19/01/2025 | 19:37 GMT+7, Hà Nội

Những nữ doanh nhân xinh đẹp và quyền lực của Việt Nam

Cập nhật lúc: 13/10/2018, 07:00

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, cùng điểm lại những "nữ tướng" trên thương trường thời bình - những người đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước nhà phát triển.

Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE), tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.

Chỉ số này cho thấy, mặc dù nữ giới hiện đang mắc nhiều rào cản trong phát triển kinh doanh nhưng họ vẫn chèo lái rất tốt con thuyền của mình, điển hình là rất nhiều doanh nghiệp do phụ nữ điều hành, lãnh đạo đã trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế như Vinamilk, BRG, VinFast, An Phước…

Chứng tỏ rằng, trên thương trường, nam hay nữ giới đều có vai trò như nhau. Thậm chí, nữ giới còn có phần mang gánh nặng hơn khi phải chu toàn cả việc gia đình lẫn xã hội.

Doanh nhân Lê Thị Thu Thủy

Là một người gắn bó với VinFast ngay từ ngày đầu tiên nhưng bà Lê Thị Thu Thủy rất ít xuất hiện trên truyền thông. Chỉ đến khi sự kiện ra mắt VinFast đình đám tại Paris Motor Show thì nữ chủ tịch quyền lực mới xuất hiện trước công chúng. Bà cũng chính là người phát biểu mở màn cho lễ ra mắt 2 dòng xe của VinFast tại sự kiện này.

Bà Thuy Thủy còn rất trẻ, sinh năm 1974 tại Bình Định. Bà Thủy tốt nghiệp khoa Kinh tế trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của trường Đại học Quốc tế Nhật Bản và có Chứng chỉ Chuyên gia Phân tích Đầu tư Tài chính (CFA).

Bà Thủy từng làm việc tại Chương trình Tín dụng của Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam từ năm 1996 tới năm 1998 và giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật, Thái Lan và Singapore từ năm 2000 tới năm 2008.

Năm 2008, bà đầu quân vào VinGroup với vị trí Trưởng Ban đầu tư, sau đó là Phó chủ tịch HĐQT rồi là Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup từ ngày 14/6/2012 và là Chủ tịch VinFast.

Ngay lập tức, bà Thủy đã chứng minh được năng lực của mình khi cùng team VinFast tạo ra những chiếc xe đầu tiên của người Việt.

Ở Paris Motor Show 2018, bà Thủy đã thực sự tạo nên ấn tượng với hình ảnh chiếc áo dài đỏ thướt tha, từng bước đi uyển chuyển nhưng cũng toát lên nội lực mạnh mẽ, tham vọng của một "nữ chiến tướng".

Doanh nhân Mai Kiều Liên

Người từng được Forbes 3 lần vinh danh, bà Mai Kiều Liên là người gắn bó với từng cột mốc và tạo nên thành công cho thương hiệu Vinamilk.

Bà Kiều Liên đầu quân cho Vinamilk vào năm 1976 trong lúc công ty còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn về vốn, máy móc, nhân lực.

Tuy nhiên, với năng lực của mình, bà Liên đã được thăng nhiệm lên vị trí Tổng giám đốc và vực Vinamilk dậy từ “cuộc cách mạng trắng” từ năm 1991.

Từ những năm đó đến giờ, với những đóng góp to lớn, bà đã giúp Vinamilk liên tiếp gặt hái được nhiều thành công và là doanh nghiệp hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế, như lời ca ngợi của Forbes: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Bà Liên là người say mê và tận tình với công việc. Mỗi ngày, bà đến cơ quan lúc 8h và về lúc 17h như bao nhân viên khác và sâu sát trong tất cả mọi việc.

Ngoài việc được tạp chí Forbes 3 lần tôn vinh, tháng 7/2012, bà Mai Kiều Liên còn được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á trao giải thưởng “Asian Excellence recognition Awards 2012” (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư”. Đây cũng là lần thứ hai bà được tạp chí này vinh danh. Trước đó, vào tháng 5/2012, bà đã được bình chọn cho danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp”.  

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

CEO của Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng được Forbes gọi tên là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á với khối tài sản lên đến 1,2 tỷ USD, chỉ đứng sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Bà Phương Thảo sinh năm 1970 và từng đi du học Nga. Bà có cổ phần tại hàng loạt công ty lớn như Sovico, HDBank… nhưng chỉ tới khi thành công với hãng Hàng không giá rẻ Vietjet, tên tuổi của bà Thảo mới “phủ sóng” rộng rãi.

Tên tuổi của bà Thảo di cùng với sự lớn mạnh vượt trội của Vietjet. Chỉ sau 5 năm cất cánh, hãng này đã vận chuyển 45 triệu lượt hành khách, chiếm 41,5% thị phần hàng không nội địa vào cuối quý II/2016 theo số liệu của CAPA.

Thành công nhất của bà Thảo có lẽ là việc đã làm thay đổi thị trường hàng không, đưa được tất cả người dân Việt với thu nhập thấp được hưởng những dịch vụ trên bầu trời.

Gắn bó với bà Phương Thảo là câu nói nổi tiếng: “Không có con đường thành công nào dễ dàng. Tôi đã học hỏi và có nhiều nghiên cứu của riêng mình. Đó là một sự lao động vất vả và để thành công bạn phải có niềm đam mê với công việc kinh doanh mà bạn đang đầu tư”.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga

Được mệnh danh là người đàn bà quyền lực và kín tiếng, bà Nga tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, bất động sản nghỉ dưỡng và gần đây nhất là các sân golf.

Bà Nguyễn Thị Nga tốt nghiệp ĐH KTQD và đi học kinh tế ở nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Với nền tảng hiểu biết sâu rộng, bà nắm quyền nhiều chức vụ chủ chốt của nhiều tập đoàn lớn như Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam.

Tuy nhiên, khẳng định tên tuổi của bà nhất vẫn là vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf như sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, Khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Sông Nhuệ.

Với tầm nhìn của mình, bà Nga đã đưa BRG trở thành tập đoàn kinh tế tiêu biểu, góp phần nâng hình ảnh golf của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Dù đã 63 tuổi nhưng chưa bao giờ ở người phụ nữ này hết nhiệt huyết. Bà làm việc 14-16/tiếng/ngày để đem lại những dịch vụ 5 sao đạt chuẩn quốc tế đến người dùng.

Doanh nhân Nguyễn Thị Điền

An Phước là nhãn hàng thời trang nổi tiếng của Việt Nam nhưng ít ai biết, người điều khiển tập đoàn này lại là một người phụ nữ.

Bà Điền tốt nghiệp ngành luật trong nước và sau đó ra làm phòng kế hoạch XNK tại Sở Ngoại thương TP.HCM. Sau năm 1989, bà nghỉ việc nhà nước và mở xưởng may nhỏ của gia đình và cái tên An Phước có từ đó.

Ban đầu An Phước chỉ là một cơ sở may nhỏ làm hàng gia công cho cho các thương hiệu Nissho Iwai, Itochu, Minoya… của Nhật.

Qua những năm gia công may mặc nhỏ lẻ, An Phước đã trở thành tập đoàn may mặc số 1 Việt Nam với bản quyền khai thác một số mẫu mã từ hãng thời trang nổi tiếng Pierre Cardin và lan ra khắp các thị trường lân cận như Lào, Campuchia,…

Quan niệm kinh doanh của người phụ nữ này là "kiến tha lâu sẽ đầy tổ" và luôn kiên nhẫn, không nản lòng trước gian khó. Chính nhờ quan niệm này mà bà đã đưa con thuyền An Phước vượt qua nhiều sóng gió để tồn tại vững mạnh đến ngày hôm nay.

Người phụ nữ đứng đầu tập đoàn lớn An Phước nhưng bà Điền lại vô cùng giản gị, chỉ thường quần tây, váy áo sơ mi công sở; đối với những buổi tiệc sang trọng thì chuộng áo dài. Bà quan niệm: “Phong cách không chỉ là ở thời trang, nó còn là văn hóa, phong cách sống”.