19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Những nét mới trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Cập nhật lúc: 30/04/2018, 13:01

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều đổi mới đặc biệt so với năm trước.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/2018 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mỗi tỉnh có một cụm thi do sở GD-ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT điều động.

Theo như quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều đổi mới so với năm trước. Cụ thể, thí sinh tự do không phải nộp Giấy khai sinh trong Hồ sơ đăng ký dự thi.

Chấm thi bài thi tự luận: Bài thi được chấm theo thang điểm 10,tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân (năm 2017 làm tròn đến 0,25).

Những nét mới trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Ảnh minh họa.

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm tại khoản 6 điều 49.

Thay thế quy định chưa hợp hiến “Tước quyền vào học” và ”tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo....” bằng quy định “Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật...”.

Bổ sung quy định liên quan đến kinh phí cho cán bộ của các trường ĐH, CĐ về coi thi tại địa phương tại khoản 2 Điều 53 cho phù hợp với phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia:“Kinh phí cho cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, các trường trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động về địa phương tham gia tổ chức thi do địa phương chi trả theo quy định hiện hành”.

Ngoài ra, sửa đổi một số cụm từ để đảm bảo chính xác về mặt thuật ngữ và phù hợp với thực tế. Những sửa đổi, bổ sung này nhằm mục đích:

Đảm bảo phù hợp hơn với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Pháp luật; đảm bảo công bằng hơn về quyền lợi hợp pháp của các đối tượng thuộc diện chính sách trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thực hiện đơn giản hóa về thủ tục hành chính, phù hợp với cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh đăng ký và tham dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Đảm bảo công bằng, khách quan hơn trong chấm thi.

Sau khi có kết quả của Kỳ thi, các trường đại học và trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh (gọi chung là tuyển sinh ĐH, CĐ, TC) đến hết tháng 12/2018.

Bên cạnh đó để kỳ thi diễn ra một cách thuận lợi, Bộ GD-ĐT trân trọng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh quán triệt thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP năm 2018 ở địa phương.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề nghị, thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp phối hợp với Sở GD-ĐT chuẩn bị và tổ chức kỳ thi.

Các Sở GD-ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các quy chế thi và tuyển sinh hiện hành. Đặc biệt, lưu ý một số điểm mới trong tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP hệ chính quy năm 2018.

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm 2017-2018, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh.

Xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh đảm bảo tổ chức kỳ thi và tuyển sinh nghiêm túc, an toàn và trung thực, khách quan. Có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi, có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất ngờ thường có thể xảy ra.

Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi, kể cả kinh phí trả cho cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi. Chỉ đạo thực hiện không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự kỳ thi tại địa phương.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT lưu ý đến công tác phối hợp tổ chức kỳ thi đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả như: các Sở GD-ĐT địa phương phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT điều động tham gia tổ chức kỳ thi chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt cụm thi ở tỉnh.

Bố trí điểm thi của hội đồng hợp lý, đảm bảo tổ chức thi nghiêm túc, an toàn và tạo thuận lợi nhiều nhất cho việc dự thi của thí sinh. Tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt tinh thần, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền các cấp phối hợp, hỗ trợ tổ chức kỳ thi trong đó chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi và đảm bảo an toàn cho cán bộ của các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi tại địa phương.

Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm thi trong những ngày tổ chức thi.

Bố trí nơi ăn, nghỉ hợp lý cho thí sinh và người thân của thí sinh ở xa quê về dự thi theo hướng nghỉ hợp lý, hướng dẫn tăng cường huy động chỗ nghỉ trọ, trong khu dân cư, chỗ trọ giá rẻ hoặc miễn phí, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường tham gia, giám sát, kiểm tra tổ chức thi xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tỉnh.