Những mập mờ sau cánh cổng trường Newton ở Hà Nội: Phụ huynh quyết tâm đi đến cùng sự thật
Cập nhật lúc: 12/04/2018, 06:31
Cập nhật lúc: 12/04/2018, 06:31
Đối với các bậc phụ huynh, khi chọn trường cho con thì điều họ quan tâm hơn cả chính là cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy.
Đặc biệt, đối với trường quốc tế thì 2 vấn đề này còn được "soi" khắt khe hơn rất nhiều bởi học phí của các trường quốc tế luôn đắt gấp vài chục lần so với các trường công. Hàng loạt những thắc mắc sẽ được đặt ra như: Trường đã được tổ chức nào công nhận? Chương trình giảng dạy và sách giáo khoa đã thực sự chuẩn hóa quốc tế?
Với tiêu chí về cơ sở vật chất, cha mẹ học sinh có thể dễ dàng đánh giá qua việc đến tham quan thực tế mô hình dạy và học, lớp học, bàn ghế, sân chơi… Song, việc đánh giá chất lượng giảng dạy, các kế hoạch chương trình hợp tác, liên kết nội bộ của trường thì rất khó để cha mẹ và các em học sinh đánh giá chất lượng.
Có một thực tế dễ nhận thấy ở giáo dục nước ta hiện nay, chính là việc nhiều phụ huynh thường dễ tin tưởng “mác nước ngoài”, đặc biệt là khi có chứng nhận của Hội đồng các trường quốc tế (CIS) và Hiệp hội các trường học và đại học miền Tây Hoa Kỳ (WASC). Có thể chính điều này đã làm nhiều cha mẹ đồng ý cho con vào học những trường liên kết quốc tế nhưng chưa chắc đã là “Tây” thật sự như trường hợp của trường Phổ thông quốc tế Newton ở Hà Nội.
Anh Nguyễn Tuấn A. (có con đang theo học Trường Quốc Tế BVIS Hà Nội) nhận định: Theo cá nhân tôi tìm hiểu cũng như truyền thông đưa tin, nói là trường quốc tế nhưng có rất nhiều loại liên kết và cấp phép hoạt động khác nhau, có thể trường GWIS chỉ là một thành viên của Hội đồng các trường quốc tế (CIS). Nếu theo hướng này thì GWIS được phép thu nạp thành viên hoạt động công cộng, nhưng không được phép cấp chứng nhận cho thành viên nhỏ của mình.
Gần giống với quan điểm trên, một thành viên mạng xã hội chia sẻ: “GWIS cố đu bám dựa hơi Sở Giáo dục Florida và California, nhưng các phụ huynh cần hiểu là quản lý giáo dục ở Mỹ nó khác Việt Nam, các sở giáo dục họ "thả nổi" và không chịu trách nhiệm về trường tư thục, chính vì thế, nhiều người cần hết sức tỉnh táo khi chọn lựa trường liên kết”.
Theo học sinh L.G.N (trường phổ thông quốc tế Newton), khi bắt đầu đăng ký theo học hệ GWIS tại trường, em đã hy vọng được đào tạo trong một ngôi trường "chuẩn Mỹ" và sẽ tìm được học bổng để du học tại Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi theo chương trình một thời gian, cậu không ít lần chán nản khi thấy đội ngũ giáo viên ngoại quốc chất lượng không đồng đều, đặc biệt những quyển sách giáo khoa đắt tiền thì có dấu hiệu là sách photocopy không bản quyền... Gần đây, thêm việc lùm xùm xung quanh tính pháp lý của trường GWIS khiến tâm lý của các em học sinh như N càng thêm hoang mang.
“Em chỉ mong các thầy cô có câu trả lời để chúng em bớt lo lắng”, học sinh N. chia sẻ.
Bên cạnh những bậc cha mẹ không quan tâm đến việc GWIS là thật hay giả thì vẫn có nhiều phụ huynh bức xúc và quyết tâm đi tìm chân lý.
Chị L.A (36 tuổi – Hà Nội) bức xúc nói: Là một phụ huynh đang có con theo học tại Newton Grammar School, tôi cũng như nhiều người khác đang rất cần biết thực hư về trường GWIS này. Qua tìm hiểu thì thấy trong năm 2017 trường này còn mở rộng liên kết với các Sở giáo dục ở phía Nam như Bình Dương, Phú Yên, Quảng Ngãi... Rất mong sự thực được làm sáng tỏ, chúng tôi sẽ cùng xã hội đi đến cùng sự thật.
Là người có hai con theo học tại Newton, anh Tr.H.G (Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm – Hà Nội) nói lên phẫn nộ của mình: Tôi không quan tâm quá nhiều đến thầy cô nào dạy, chứng chỉ gì, chương trình Quốc tế IB và chương trình AP không biết. Nhưng mọi chuyện liên quan đến pháp lí phải rõ ràng thì gia đình mới yên tâm cho con theo học được. Xã hội hiện đại nói không với gian xảo, môi trường giáo dục lại càng không được phép lừa dối. Nếu trường Newton liên kết với trường “ma” ở Mỹ để gian dối lừa đảo phụ huynh và học sinh thì đúng là quá tàn nhẫn.
Rất nhiều phụ huynh đã rất kỳ công tìm hiểu bằng việc vào website của trường để xem thực hư thầy cô giáo và công việc của trường Newton. Tất cả các trường chuẩn đều để danh sách rõ ràng bao gồm tên tuổi thày cô, tóm tắt lý lịch học ở đâu ra, bằng cấp thế nào, kinh nghiệm làm việc thế nào, đã dạy ở trường bao lâu. Tuy nhiên, với webside của trường Newton thì không có những điều kể trên.
14:44, 10/04/2018
00:31, 07/04/2018
15:38, 06/04/2018
01:01, 27/10/2017
04:11, 23/03/2017