19/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Những “hiểm họa” bất ngờ từ những thói quen tưởng chừng vô hại

Cập nhật lúc: 21/02/2019, 03:52

Có rất nhiều thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại của mỗi người lại ẩn chứa rất nhiều “hiểm họa” bất ngờ tới sức khỏe.

Dưới đây là một số thói quen có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe mà bạn không ngờ tới:

1. Không rửa rau kỹ trước khi ăn

Việc không rửa rau củ quả kỹ trước khi ăn khiến cơ thể có nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.Coli hoặc khuẩn Salmonella, gây ngộ độc thực phẩm. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London cho thấy loại vi khuẩn có hại, thường có từ những loại phân bón bị ô nhiễm hoặc đất, có thể bám rất chắc vào những lá rau và không thể được loại bỏ nếu không được rửa kỹ bằng tay. Hãy rửa các loại rau củ thật cẩn thận trong chậu nước, thêm một vài giọt rượu trắng hoặc giấm để tăng tác dụng làm sạch.

2. Nặn mụn

Đây cũng là thói quen rất nhiều người mắc phải. Các chuyên gia da liễu khuyến cáo thói quen tai hại này có thể để lại sẹo, hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Nguyên nhân là việc nặn mụn làm da bị hở và khiến vi khuẩn từ tay có thể lọt vào mạch máu. Việc nặn mụn còn có thể gây phản tác dụng và khiến mụn lan rộng hơn do vi khuẩn lây lan sang các vùng da khác.

Đặc biệt, việc nặn mụn tại khu vực tam giác nguy hiểm, vùng từ sống mũi tới 2 khóe miệng, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường. Nguyên nhân là những tĩnh mạch ở đây nối tới các dây thần kinh ở não. Nếu nặn mụn và để nhiễm khuẩn ở khu vực này, vi khuẩn có thể tiến vào các dây thần kinh ở não và gây ra tê liệt, mù hoặc thậm chí tử vong. Nếu muốn nặn mụn, bạn hãy rửa tay và mặt thật sạch, quấn băng sạch quanh những ngón tay và nặn mụn nhẹ nhàng.

3. Chải răng quá mạnh

Chải răng 2 lần mỗi ngày, 2 phút mỗi lần là quan trọng với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, chải răng quá mạnh lại có thể gây hại. Việc dùng lực quá mạnh sẽ gây ảnh hưởng tới men răng, khiến răng dễ bị sâu hơn và gây tổn thương nướu.

Ngoài ra, việc chải răng quá mạnh cũng có thể khiến chân răng bị lộ ra, gây nhạy cảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu.

Cách khắc phục: Sử dụng bàn chải có độ cứng của lông vừa phải. Bàn chải lông cứng dễ gây tổn thương nướu trong khi bàn chải lông mềm lại khó làm sạch các mảng bám và vụn thức ăn. Cầm bàn chải nhẹ nhàng, sử dụng lực cổ tay thay vì lực cả bàn tay hoặc sử dụng bàn chải điện. Rất nhiều bàn chải điện hiện nay được trang bị cảm ứng sẽ phát ra tiếng kêu khi bạn dùng lực quá mạnh.

4. Dùng máy sấy khô tay ở nhà vệ sinh công cộng

Nhiều người có thói quen dùng máy sấy tại nhà vệ sinh công cộng để làm khô tay sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, việc này vô tình lại làm lây lan những vi khuẩn có rất nhiều trong nhà vệ sinh sang đôi tay của bạn.

Cách khắc phục: Rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh và lau khô bằng giấy vệ sinh hoặc bạn có thể mang theo nước rửa tay cá nhân mỗi khi ra ngoài.

5. Ngủ dậy muộn vào cuối tuần

Ngủ bù vào dịp cuối tuần để bù cho thời gian ngủ bị thiếu trong tuần nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, việc này có thể khiến bạn khó ngủ vào những đêm đó, gây mệt mỏi và ăn quá nhiều.

Việc ngủ quá nhiều vào cuối tuần làm phá vỡ chu kỳ sinh học bình thường của cơ thể. Chu kỳ này điều khiển những chức năng cơ bản của cơ thể, từ thời điểm thức dậy cho tới khi ngủ và khi cảm thấy đói.

Cách khắc phục: thức dậy và đi ngủ vào khung giờ cố định trong mọi ngày.

nhung hiem hoa bat ngo tu nhung thoi quen tuong chung vo hai
Ảnh minh họa

5. Uống trà và cà phê nóng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những người uống đồ uống quá nóng có nhiều nguy cơ dẫn tới ung thư thực quản. Nguyên nhân là nhiệt độ quá cao có thể làm tổn thương các tế bào trong thực quản.

Cách khắc phục: để đồ uống nóng nguội bớt trước khi thưởng thức.

6. Dùng kem chống nắng hàng ngày

Việc này nghe có vẻ “ngược đời” khi chúng ta luôn được khuyên thường xuyên sử dụng kem chống nắng để chống lại tác hại của tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, việc tạo ra lớp màng bảo vệ bởi kem chống nắng có thể khiến làn da không hấp thụ đủ vitamin D. Đây là loại vitamin sinh ra do phản ứng giữa ánh nắng mặt trời và làn da trần. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn tới nguy cơ loãng xương hoặc mắc bệnh tim.

Cách khắc phục: Hãy đảm bảo làn da của bạn có 30 phút mỗi ngày ở ngoài trời (khi ánh nắng không quá chói chang) không bị ngăn cản bởi kem chống nắng để kích thích quá trình sản sinh vitamin D. Bạn có thể xem xét bổ sung thêm vitamin D vào những tháng mùa đông.

7. Nướng bánh mì ở nhiệt độ quá cao

Những loại thực phẩm như bánh mì nếu được chế biến quá lâu ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra acrylamide. Đây là hợp chất hóa học có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản.

Cách khắc phục: Giảm lượng thực phẩm nướng và chiên rán như bánh quy, khoai tây chiên và nướng bánh mì sao cho thu được màu sắc nhạt, đừng cháy quá.

8. Ngồi chéo chân

Thói quen này có thể làm gia tăng huyết áp tạm thời tới 10%. Ngoài ra, ngồi chéo chân cũng gia tăng áp lực lên các khớp hông, làm tổn thương dây thần kinh hông, có thể dẫn tới suy giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là tư thế này gây áp lực lên tĩnh mạch, làm gia tăng nguy cơ bị tụ máu. Cách khắc phục là bạn có thể chuyển sang bắt chéo tại khu vực cổ chân để không gây áp lực lên tĩnh mạch.

9. Kiểm tra email vào buổi tối

Rất nhiều người có thói quen kiểm tra email công việc tại nhà vào buổi tối. Tuy nhiên, đây là thói quen không tốt và có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp.

Các nhà khoa học tại Đại học bang Colorado của Mỹ cho hay những người có thói quen kiểm tra email vào thời gian nghỉ ngơi tại nhà thuộc nhóm hay cảm thấy căng thẳng nhất và có tình trạng sức khỏe tồi tệ nhất trong nhóm những người tham gia nghiên cứu. Tệ hơn, việc này còn gây ảnh hưởng tới những thành viên khác trong gia đình, khiến vợ hoặc chồng cũng cảm thấy stress hơn.

Nhân Mã