19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Những hạt li ti trong sữa rửa mặt, kem đánh răng có thực sự tốt như bạn tưởng?

Cập nhật lúc: 05/07/2016, 07:12

Trong nhiều loại sữa rửa mặt, kem đánh răng hiện nay có thành phần là những hạt nhỏ li ti được biết đến với công dụng là làm sạch sâu hơn và massage cho làn da hay chân răng.

Tuy nhiên, trên thực tế, những hạt nhỏ li ti này - hay còn được gọi là những hạt vi nhựa (microbeads) lại có những tác động tiêu cực tới sức khỏe và môi trường sống của chúng ta.

Những hạt vi nhựa này thường có kích thước nhỏ hơn 5 mm (đa số là nhỏ hơn 1mm). Trong mỗi loại sản phẩm thì tỷ lệ hạt này lại khác nhau, có thể là từ 1% cho đến 90% trọng lượng sản phẩm.

Với kích thước nhỏ hơn 1mm, tỷ lệ của hạt vi nhựa có trong sửa rửa mặt, kem đánh răng, sữa tắm từ1% - 90% trọng lượng sản phẩm 

Những hạt này phần lớn được làm từ polyethylene hoặc từ nhựa hóa dầu khác như polypropylene và polystyrene.

Vậy vì sao lại nói hạt vi nhựa có hại?

Bởi vì thành phần chủ yếu là dạng nhựa nên sau khi hoàn thành vai trò "chất làm sạch sâu", các hạt nhựa nhỏ này sẽ lọt qua các khe hở của hệ thống xử lý nước thải rồi chảy ra sông hồ, ao và đại dương.

Việc rất nhiều người sử dụng sản phẩm có chứa hạt vi nhựa sẽ khiến cho số lượng chất thải dạng này thải ra môi trường càng lớn, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như tác động đến chuỗi thức ăn.

Theo thống kê của Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), trong năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. Và đến năm 2013 thì con số này là hơn 299 triệu tấn.

Đó chỉ là con số của EU, còn những nơi khác, ắt hẳn sẽ là một con số vô cùng lớn.

Bạn có biết rằng khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở thành những hạt nhỏ tiềm ẩn độc tố.

Vì có kích thước quá nhỏ mà những hạt này bị lẫn vào thức ăn, vào rong biển, cỏ cây. Từ đó, các loại thủy hải sản ăn và tích tụ những hạt này trong cơ thể.

Đối tượng cuối cùng trong chuỗi thức ăn này chính là con người. Con người ăn những loại động vật bị tích đọng hạt vi nhựa trong cơ thể, những loại thực vật bị vương lại hạt vi nhựa trên lá, gốc rễ.

Con người từ đối tượng đầu tiên "thải" ra những hạt vi nhựa này thì lại là "bến đỗ" cuối cùng của những loại hạt đã biến chất và tiềm ẩn nguy cơ gây hại.

 Những hạt vi nhựa sau khi thực hiện nhiệm vụ làm sạch thì đã vô hình chung hòa vào dòng nước thải ra ao hồ, đại dương

Một nghiên cứu gần đây cho thấy: Khoảng 90% các loài chim được tìm thấy có các hạt vi nhựa trong dạ dày và ăn 6 con hàu là tiêu thụ 50 hạt vi nhựa vào cơ thể.

Những hạt này khi vỡ ra có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đó là gây mất cân bằng hoóc-môn, gây ra các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Mặc dù biết được nguy cơ gây hại của hạt vi nhựa nhưng vì chi phí sản xuất chúng rẻ và nguyên liệu luôn có sẵn, dễ tìm. Cộng thêm đó là công dụng làm mềm da mà hạt vi nhựa được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng.

Để hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây hại của loại hạt này, song hành cùng những chiến dịch hay dự luật ngăn cấm việc sử dụng hạt nhựa trong ngành công nghiệp mỹ phẩm của các nước thì chính người tiêu dùng cũng cần nói không với việc sử dụng những sản phẩm có chứa loại hạt này.