19/01/2025 | 07:27 GMT+7, Hà Nội

Những đối tượng nào được xem xét giảm giá điện, tiền điện đợt 3?

Cập nhật lúc: 25/05/2021, 16:30

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trước sự càn quét của đại dịch Covid-19 như hiện nay, nên giảm giá điện cho 2 đối tượng: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các cơ sở cách ly tập trung

Giảm giá điện nhưng "không gây áp lực tăng giá năm sau"

Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, mới đây, Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch khắc phục khó khăn do đại dịch.

Theo đó, ngày 12/5/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT/BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong đó, Bộ yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; Miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được Chính phủ đồng ý, đây là đợt 3 mà Bộ Công Thương giảm giá điện, tiền điện tính từ năm 2020 đến nay. 

Được biết, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của 2 đợt trong năm 2020 khoảng 12.300 tỉ đồng.

Cụ thể, đợt 1 thực hiện từ ngày 16/4 - 16/7, việc giảm giá điện, giảm tiền điện được áp dụng cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỉ đồng.

Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 - 12/2020, hỗ trợ giảm cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện. Số tiền hỗ trợ đợt 2 khoảng gần 3.000 tỉ đồng.

Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch khắc phục khó khăn.
Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch khắc phục khó khăn.

Cũng trong báo cáo, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.

Cần giảm thêm cho các doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá điện, tiền điện được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp đều gia tăng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thông tin, trong tổng số hơn 26 triệu khách hàng sinh hoạt đang mua điện của EVN, có xấp xỉ 23 triệu khách hàng (chiếm tỉ lệ trên 85%) có mức bình quân sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng. Phần lớn các khách hàng thuộc nhóm này là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương.

"Ngoài đề xuất giảm giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN, các đơn vị bán lẻ điện, thì nên giảm thêm giá bán lẻ điện cho đối tượng là khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông và những người có thu nhập thấp. Bởi, đại dịch khiến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp phải lưu container tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi khá cao", ông Tuấn nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trước sự càn quét của đại dịch Covid-19 hiện nay, nên giảm giá điện cho 2 đối tượng: Thứ nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Thứ hai là các cơ sở cách ly tập trung. Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mức giảm giá từ 5 - 10%, còn với các cơ sở cách ly tập trung, mức giảm cần cao hơn, thậm chí có thể miễn tiền điện từ 1 - 2 tháng cao điểm.

Đồng thời, ông Thịnh cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần thành lập đoàn thanh tra để thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền điện, chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện theo quy định.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 2.

Theo đó, với giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt: Giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến 4.

Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch và khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông thì giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19. Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19. Tổng số thời gian hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện cho khách hàng là ba tháng, tại các kỳ hóa đơn tháng 10, 11, 12/2020.

Ngay sau khi nhận được báo cáo của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 180/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho khách hàng sử dụng điện.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-doi-tuong-nao-duoc-xem-xet-giam-gia-dien-tien-dien-dot-3-55635.html