19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

Những đối tượng dễ say nắng và cách xử lý tránh đột quỵ

Cập nhật lúc: 12/06/2020, 08:00

Nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao có thể làm người già, trẻ em, người lao động, những người tiếp xúc dưới nền nhiệt cao dễ say nắng, say nóng và sốc nhiệt.

Những đối tượng dễ bị say nắng, say nóng và sốc nhiệt

Những ngày vừa qua, Hà Nội đã trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp với mức nhiệt giao động khoảng gần 40 độ C. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, việc nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe.

Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục (Ảnh minh họa)

BS. Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cho biết, không chỉ những người có sức chịu đựng yếu như người già, trẻ em mà tất cả mọi người từ thanh niên, người lao động... những người tiếp xúc dưới nền nhiệt cao rất dễ có nguy cơ bị say nắng, say nóng và sốc nhiệt. 

"Những người làm việc liên tục trong môi trường nhiệt độ cao, tiếp xúc nhiều với nắng nóng đặc biệt là những người làm việc trong hầm mỏ, công xưởng, hoặc tại các công trường xây dựng rất dễ bị say nắng, say nóng", BS Khánh chia sẻ. 

Bên cạnh đó những đối tượng dễ bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt còn bao gồm: 

Những người tham gia huấn luyện quân sự, các vận động viên chạy đường dài… trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trẻ em dưới 4 tuổi và người già trên 65 tuổi.

Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt khi có điều kiện khí quyển ứ đọng và chất lượng không khí kém. Ở đó có một phần nguyên nhân từ hiệu ứng đảo nhiệt: nhựa đường và nhiệt của hàng bê tông tích trữ trong ngày và chỉ dần dần phát tán vào ban đêm, dẫn đến nhiệt độ về đêm tăng.

Những người lớn tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà không có máy lạnh hoặc luồng không khí tốt, quạt có thể khiến chúng ta thấy tốt hơn nhưng điều hoà mới là giải pháp hữu hiệu làm mát và giảm độ ẩm trong không khí.

Những người làm nghề shipper phải di chuyển trên đường quá nhiều và liên tục trên mặt đường có nền nhiệt rất cao, lại không có thời gian để nghỉ ngơi nhiều.

Sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt chậm hơn những người khác.

Những người bị bệnh tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu…đều là những đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đầu tiên bởi nắng nóng kéo dài.

Thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, thuốc kích thích, thuốc chống co giật, thuốc tim và huyết áp như thuốc chẹn bêta và thuốc co mạch, và thuốc cho các bệnh tâm thần như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Các loại thuốc bất hợp pháp như cocaine và methamphetamine cũng có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ do nhiệt.

Theo một nghiên cứu gần đây được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội Nội Tiết bởi các nhà nghiên cứu từ Mayo Clinic ở Arizona: Những người mắc bệnh tiểu đường cũng là người có nguy cơ cao cấp cứu, nhập viện và tử vong do các bệnh lý liên quan đến nhiệt.

Ảnh minh họa

Những dấu hiệu nhận biết người bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, để nhận biết những người bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt ta có thể dựa vào các yếu tố sau: 

Nhóm đối tượng có yếu tố tiếp xúc với nền nhiệt độ cao trong một thời gian (làm việc ngoài trời nắng nóng, đi nắng về, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, công nhân làm việc trong hầm lò đốt, đi du lịch đến vùng nắng nóng, lao động nặng vào những ngày hè nóng bức…)

Bệnh nhân có những biểu hiện sớm như đau đầu chóng mặt, thiếu mồ hôi mặc dù trời nắng nóng, da đỏ bừng - nóng và khô, khi sờ vào, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và ói mửa. Nặng hơn nữa là nhịp tim nhanh, có thể mạnh hoặc yếu, thở nhanh và nông, thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc hoảng loạn, co giật, bất tỉnh.

Cặp nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C (104 độ F) là tiêu chuẩn quan trọng, chính xác nhất là đo nhiệt bằng nhiệt kế ở trực tràng, hoặc ở miệng, nách.

Cách sơ cứu hiệu quả khi bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt

Nếu nghi ngờ ai đó bị đột quỵ do nhiệt, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người đó đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế đều có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Trong khi chờ đợi các nhân viên y tế đến, cần tiến hành sơ cứu đầu tiên: Đưa người bệnh đến môi trường có máy lạnh, hoặc đưa bệnh nhân vào trong nhà tắm-hoặc ít nhất là một khu vực râm & mát mẻ, cởi bỏ bất kỳ quần áo nào không cần thiết. Nếu có nhiệt kế thì liên tục cặp nhiệt độ của cơ thể bệnh nhân và sơ cứu, làm mát cơ thể để đưa nhiệt độ về 38 đến 38,5 độ C.

Những cách làm mát cơ thể bao gồm: Dùng quạt không khí thổi đều trên người bệnh trong khi làm ướt da bằng khăn ướt hoặc vòi nước rửa, chườm các túi nước đá vào nách, háng, cổ và lưng của bệnh nhân vì những khu vực này rất giàu mạch máu gần da, làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Không sử dụng đá lạnh cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân bị bệnh mãn tính..

Khi bệnh nhân tỉnh dậy, ngay lập tức cho bệnh nhân uống Oresol hoặc nước muối.

Những giải pháp ngăn ngừa say nắng, say nóng, sốc nhiệt

Khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất là nên ở trong môi trường có máy lạnh. Nếu phải đi ra ngoài, anh chị có thể ngăn ngừa đột quỵ do nhiệt bằng cách thực hiện các bước sau:

Mặc quần áo nhẹ, màu sáng, thoáng và đội mũ rộng vành, đeo kính râm.

Sử dụng kem chống nắng với hệ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, đặc biệt anh chị đang đi ngoài nắng, đang bơi hoặc đang đổ mồ hôi.

Uống thêm nước: để ngăn ngừa tình trạng mất nước, mọi người nên uống ít nhất tám ly nước/ngày: nước suối, nước trái cây hoặc nước ép rau, trong đó nước từ các loại thảo dược tốt hơn. Vì bệnh liên quan đến nhiệt độ cũng có thể do thiếu muối, vậy nên thay thế một loại đồ uống thể thao giàu muối khoáng trong các giai đoạn có nhiệt độ và độ ẩm cao.

Với những người chơi thể thao hoặc làm việc ngoài trời, khuyến cáo chung là uống 24 ounce chất lỏng (tầm 700ml) hai giờ trước khi tập thể dục-lao động và cân nhắc thêm 8 ounce (~ 240 ml) nước hoặc thức uống thể thao khác trước khi tập thể dục. Trong khi tập thể dục, các bạn nên tiêu thụ tầm 240ml mỗi 20 phút, ngay cả khi không cảm thấy khát.

Tuyệt đối không được để người già, trẻ em ngồi quá lâu trong ô tô. Đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong do nhiệt ở trẻ em. .

Lên lịch lại hoặc hủy hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, hãy thay đổi thời gian của bạn ở ngoài trời vào những thời điểm thú vị nhất trong ngày, vào sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.

Theo dõi màu nước tiểu của bạn: nước tiểu đậm hơn là dấu hiệu cơ thể thiếu nước. Hãy chắc chắn uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu vàng nhạt và trong, anh chị nhé!

Đo trọng lượng cơ thể trước và sau hoạt động thể chất. Theo dõi lượng nước bị mất (số cân nặng giảm sau tập) có thể giúp chúng ta xác định lượng nước cần uống bổ sung vào.

Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, bởi vì cả hai chất này đều có thể làm anh chị mất nhiều chất lỏng hơn và làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến nhiệt. Ngoài ra, không dùng thuốc viên bổ sung muối trừ khi bác sĩ chỉ định. Cách dễ và an toàn nhất để bổ sung muối và các chất điện giải khác trong ngày nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây, thảo dược (rau má, nhân trần, mướp đắng…)

Cần chuẩn bị ekip sơ cứu y tế trong những sự kiện diễn ra dưới trời nắng nóng.