19/01/2025 | 07:05 GMT+7, Hà Nội

Những điều cần lưu ý khi cho trẻ đi tiêm văc-xin ComBe Five

Cập nhật lúc: 09/01/2019, 02:40

Khi cho trẻ đi tiêm phòng, các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc... có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước. Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu ăn, ngủ, thở xem có gì bất thường hay không.

 

Những điều cần lưu ý khi cho trẻ đi tiêm văc-xin ComBe Five - Ảnh 1Sau tiêm trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 1-2 ngày

Thông tin từ Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, tính đến hết ngày 6-1 trên toàn quốc đã có 19 tỉnh, TP triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five với 101.862 trẻ được tiêm. Tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... được ghi nhận là 1,73%.

Theo Kế hoạch, từ tháng 1-2019 triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five rộng rãi trên toàn quốc tại tất cả các tỉnh, TP còn lại (sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, TP).

Căn cứ vào lịch tiêm chủng thường xuyên, các tỉnh, TP đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin ComBe Five. Tính đến ngày 6-1 vắc-xin ComBe Five đã triển khai tại 19 tỉn, TP gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Cà Mau với 101.862 trẻ được tiêm.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Vắc-xin ComBe Five có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem, theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: Sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, TP thực hiện tiêm vắc-xin ComBe Five theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm chủng; tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.

Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm

Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như: Sốt cao từ 39°C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú... phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Theo T.AN