18/01/2025 | 17:07 GMT+7, Hà Nội

Những điều bạn cần chú ý để có sức khỏe tốt vào mùa đông

Cập nhật lúc: 25/11/2016, 18:39

Vạn vật sinh trưởng thuận theo mùa mà thích ứng với quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Biết cách vận động, ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ mang lại sức khỏe trọn vẹn trong suốt mùa đông.

Đến mùa đông, dương khí trong tự nhiên suy, vạn vật tàng ẩn lại, cây cối điêu linh, nhiều loại động thực vật gần như trong trạng thái ngủ đông, chuẩn bị tinh thần cho mùa xuân năm tới phát triển. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe của bạn trong mùa đông này hãy chú ý 8 điều sau:

1. Ngủ sớm và dậy muộn

Ba tháng mùa đông là lúc bế tàng. Nước lạnh và đất nứt nẻ, chớ có quấy động dương khí; nên đi ngủ sớm và dậy muộn một chút, đợi khi mặt trời chiếu sáng rồi hãy dậy, để cho thần chí tiềm phục ẩn tàng giống như dương khí, làm như thể mình có điều bí mật (tức là để thần khí nội tàng).

2. Chuyện phòng the hợp lý

Thời điểm này, dương khí tiềm ẩn, có lợi cho tinh khí bổ sung và tích lũy. Cho nên dưỡng sinh vào mùa đông thì cần phải tàng tinh, dưỡng âm phòng hàn, nghỉ ngơi phải điều độ, việc phòng thất cần hợp lý, không được quá lao lực. Ngoài ra, mùa đông hàn khí tràn ngập, hàn là tà khí thuộc âm, rất dễ làm hại đến thận dương, vậy nên cần phải dưỡng tàng cố tinh, bổ ích thận dương.

3. Ngâm chân nước ấm, mát-xa lòng bàn chân

Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân, và kiên trì ngâm chân nước ấm mỗi ngày. Ngoài ra, mỗi ngày cũng nên đi bộ khoảng 30 phút. Mỗi sáng tối, kiên trì mát-xa lòng bàn chân cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.

4. Ăn các thực phẩm bổ thận

Mùa đông thuộc hành thuỷ, thận cũng thuộc hành thuỷ, nên khi đông về, thận thường dễ bị tổn thương. Do đó, trong mùa  đông tốt nhất nên ăn các thực phẩm bổ thận.

Cần lưu ý trong ngũ vị, vị mặn có lợi cho thận, vị ngọt là khắc tinh của thận để có sự lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, các thực phẩm bồi bổ cũng khác nhau theo từng thể chất. Thông thường người âm suy có thể ăn thịt dê, thịt gà, thịt chó… Người khí huyết kém có thể ăn thịt ngan, thịt vịt, thịt chim… Người thường có cảm giác lúc nóng lúc lạnh có thể dùng kỳ tử, táo tàu, vừng đen, mộc nhĩ, hồ đào…

5. Ăn cháo bồi bổ cơ thể

Món ăn dưỡng sinh phù hợp nhất cho mùa đông là cháo nóng. Ăn cháo nóng thường xuyên sẽ tăng cường nhiệt lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Ăn các món cháo táo tàu gạo nếp, cháo bát bảo… buổi sáng sớm và trong bữa tối có tác dụng điều vị, giúp giảm cân.

Cũng có thể dùng cháo long nhãn để dưỡng tâm an thần, cháo vừng ích tinh dưỡng âm, cháo củ cải giúp tiêu đờm, chào hồ đào giúp dưỡng âm củng cố tinh, cháo ngân nhĩ dưỡng phổi, cháo hoa cúc giúp sáng mắt giải nhiệt…

6. Mở cửa sổ lưu thông không khí

Mùa đông lạnh, bạn thường có thói quen lúc nào cũng đóng chặt cửa? Thói quen này hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ. Bởi mùa đông, mức độ ô nhiễm không khí trong phòng cao hơn bên ngoài khoảng 10 lần. Bạn cần thường xuyên mở cửa ban ngày để giúp lưu thông không khí, mang lại hiệu quả kiện não, tỉnh táo tinh thần.

7. Vận động để giữ ấm và dưỡng tinh thần

Trong sinh hoạt tránh lạnh lẽo mà tìm ấm áp, thường xuyên vận động nhưng đừng cho tiết mồ hôi khiến dương khí tổn, như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa đông, là đạo nhiếp dưỡng tàng khí. Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại thận, đến mùa xuân sẽ bị bệnh chân tay tê lạnh, mà không đủ điều kiện sinh trưởng cho mùa xuân.

8. Thuốc cho mùa đông

Trong “Thiên kim dực phương” có viết: “Mùa đông uống rượu thuốc 2 đến 3 đợt, đến lập xuân thì thôi”. Nhóm rượu thuốc này bao gồm: rượu thập toàn đại bổ, rượu câu kỷ tử, rượu sâm nhung, rượu đông trùng… mỗi ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần uống khoảng 1 chén (ly).

Thuốc bổ thường dùng trong mùa đông gồm: nhân sâm, hoàng kỳ, a giao, đông trùng hạ thảo, hà thủ ô, câu kỷ tử, đương quy, đào nhân, đại táo, long nhãn, hoài sơn, hạt sen, bách hợp, lộc nhung, quế nhục… nhưng cần phải chú ý rằng, cũng không được dùng quá nhiều đồ nóng, để tránh làm hại đến âm dịch.

Y gia nổi tiếng là Trương Chí Thông đã đưa ra cách lý giải cho nguyên tắc “Thu đông dưỡng âm” trong “Hoàng đế nội kinh” rằng: “Mùa thu và mùa đông, âm thịnh ở ngoài nhưng lại suy yếu ở trong”, cho nên không được chỉ dùng thuốc ôn bổ trợ dương mà còn phải kết hợp với thuốc tư bổ âm tinh, làm cho âm dương chuyển hóa lẫn nhau. Ngoài ra, mùa đông ít mưa, khí hậu tương đối khô hanh, cho nên cần dùng những thuốc ôn nhuận như tang ký sinh, thỏ ti tử, thục địa…

Sử dụng thức ăn, vị thuốc, sinh hoạt một cách hợp lý trong màu đông này thì cơ thể sẽ luôn được khỏe mạnh, đồng thời phòng chống được bệnh tật phát sinh.