22/11/2024 | 17:21 GMT+7, Hà Nội

Những điểm nóng bất động sản hút đầu tư sau Covid-19

Cập nhật lúc: 13/07/2020, 06:00

Từ nhiều năm nay thay vì lựa chọn Hà Nội và TP.HCM, các nhà đầu tư đã có những cuộc dịch chuyển xa xôi về mặt địa lý khi chú tâm đến thị trường vùng ven. Xu hướng này ngày càng rõ rệt trong nửa đầu năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường của batdongsan.com.vn cho biết, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản tại các tỉnh phía Bắc. Theo đó, 6 tỉnh miền Bắc đứng đầu về lượng tìm kiếm trên batdongsan.com.vn gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh có mức độ quan tâm tăng trưởng nổi bật trong quý II/2020. Mức độ quan tâm ở Hòa Bình tăng trưởng mạnh, áp đảo so với 5 tỉnh nằm trong top đầu về lượng tìm kiếm người dùng trên batdongsan.com.vn, chiếm 77%.

Trong đó, Kỳ Sơn và Lương Sơn là hai huyện có lượng quan tâm tìm kiếm nhiều nhất với mức tăng trưởng tìm kiếm lần lượt là 81% và 77%. Tiếp đến là Quảng Ninh với mức tăng trưởng 45% và Vĩnh Phúc với mức tăng 41%. Bất động sản liền thổ gồm biệt thự, liền kề, đất thổ cư và đất nền là những loại hình được tìm kiếm nhiều nhất tại các thị trường phía Bắc.

Ngoài ra, báo cáo của đơn vị này cũng cho thấy, mức độ tìm kiếm bất động sản công nghiệp ở một số khu công nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Bắc cũng tăng tăng 32% so với mức trung bình. Trong đó, khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) tăng 243%, khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) tăng 260%, khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) tăng 19%, khu công nghiệp Việt Yên (bắc Giang) tăng 76%, khu công nghiệp Hồng Bàng (Hải Phòng) tăng 42%,...

Cũng theo ông Hiếu, mức độ quan tâm tới bất động sản công nghiệp tại một số khu vực đang kéo theo mức độ quan tâm tới bất động sản nhà ở. Hay nói cách khách, bất động sản nhà ở sẽ phát triển theo bất động sản công nghiệp.

Quảng Ninh đang có sức hút về phát triển các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng

Còn tại khu vực phía Nam, 7 tỉnh miền Nam đang ghi nhận sự quan tâm nhiều nhất của người mua bất động sản lần lượt là: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Cần Thơ và Kiên Giang. Trong đó, bất động sản Bình Dương đang được quan tâm nhất khi lượng tìm kiếm tăng 21% quý liền trước.

Theo ông Hiếu, Bình Dương được quan tâm vì sở hữu tỷ suất di cư thuần giai đoạn 2009 - 2019 lên đến 200%, cao nhất Việt Nam. Tỷ lệ nhập cư lớn dẫn đến mức độ quan tâm trong quý II cũng tăng 21% so với quý liền trước. Giá đất nền trung bình đạt 13,8 triệu đồng/m2.

Báo cáo còn nêu tỷ lệ người di cư không có nhà riêng lên tới 44%, chứng tỏ nhu cầu nhà ở tại đây còn khá lớn. Qua thời gian, thị trường giá nhà tại đây cũng tăng trưởng nhanh hơn và đẩy sự phát triển thị trường lên mức cao hơn.

“Thị trường bất động sản Bình Dương đang được xem như “người kế thừa sáng giá” của TP.HCM. Dự kiến trong các tháng cuối năm, nhà đất khu vực này sẽ tiếp tục sôi động nhờ vào loạt sản phẩm căn hộ và nhà phố có kế hoạch triển khai trong các quý tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bất động sản Bình Dương đang được quan tâm tại khu vực phía Nam

Tại một số địa phương khác khu vực phía Nam, mức độ quan tâm bất động sản trong quý II cũng tăng mạnh so với quý I, ông Hiếu cho biết. Long An tăng 54%, Kiên Giang tăng 42%, Đồng Nai - Vũng Tàu tăng 40%... Các loại hình được quan tâm như đất nền, nhà riêng, biệt thự liền kề. Dù dẫn đầu về lượt tìm kiếm nhà đất nhưng Bình Dương lại không phải là thị trường nhà đất “nóng sốt” nhất trong quý 2 vừa qua.

Bởi Long An không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu tìm kiếm nhà đất mà thị trường này đang ghi nhận nhiều biến động lớn về hạ tầng cũng như sự xuất hiện của các cụm khu công nghiệp quy mô. Bên cạnh đó, nếu so sánh với các tỉnh giáp ranh TP.HCM là Bình Dương và Đồng Nai, Long An là địa phương có giá đất rẻ nhất hiện nay. Cụ thể, nếu giá bán đất trung bình tại Bình Dương vào khoảng 13,8 triệu/m2, Đồng Nai rơi vào khoảng giá từ 7,6 - 8 triệu/m2 thì tại Long An, giá đất hiện chỉ dao động ở mức từ 6,4 - 6,7 triệu/m2.

Xét về phương diện loại hình bất động sản, đất nền và đất nền dự án vẫn là kênh đầu tư được khách hàng ưa chuộng nhất tại các địa phương này. Tuy nhiên trong quý II, biệt thự liền kề và nhà riêng có nhu cầu tìm mua tăng khá mạnh, với mức tăng 59% và 44%. 

Nguyên nhân của sự gia tăng mức quan tâm biệt thự liền kề là do nhiều chủ đầu tư dòng sản phẩm này đang dịch chuyển từ TP.HCM về vùng ven phát triển dự án mới. Thị trường mới, giá cạnh tranh, quỹ đất đẹp và quy hoạch hiện đại giúp mô hình biệt thự vùng ven TP.HCM hút nguồn tiền và sự quan tâm từ dân đầu tư bất động sản.

Có 4 yếu tố tiên quyết giúp bất động sản duy trì sức nóng đầu tư là nguồn cầu, hạ tầng, chính sách vĩ mô, chủ đầu tư.

Cụ thể, với tốc độ đô thị hóa cùng tăng trưởng dân số của Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như hiện nay, mỗi năm Hà Nội và TP.HCM cần thêm hàng chục nghìn căn hộ đưa vào sử dụng. Nguồn cung nhà ở hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và tiềm năng của thị trường này còn rất lớn. 

Bên cạnh đó, nhiều công trình đầu tư công về cơ sở hạ tầng được triển khai ở các tỉnh thành lớn không chỉ gia tăng liên kết vùng mà còn mở ra cơ hội hình thành các vùng kinh tế tiềm năng, thu hút đầu tư quốc tế và mở ra cơ hội phát triển cho thị trường nhà ở.

Sự hỗ trợ từ chính phủ đang phát huy tác dụng tích cực, việc gia hạn tiền thuê đất, giảm lãi suất vay vốn, giải ngân đầu tư công và nhiều sửa đổi tích cực về luật xây dựng, chia sẻ giúp doanh nghiệp và người mua nhà giảm tải áp lực. Một điểm tích cực nữa là dịch bệnh đã có những tác động đến cách kinh doanh bất động sản và cách các doanh nghiệp điều hành hoạt động của mình. Chủ đầu tư chọn thương mại điện tử, sử dụng dữ liệu lớn, các chương trình khuyến mãi và giảm giá; tập trung tăng năng suất bán hàng và marketing.

Nếu so với các nước quanh khu vực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất khả quan. Cùng với những lực đẩy từ hạ tầng, dịch vụ và nhu cầu nhà đất như hiện nay, bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư tốt trong tương lai.