22/11/2024 | 22:47 GMT+7, Hà Nội

“Những bóng người trên sân ga”

Cập nhật lúc: 13/07/2019, 07:00

Sáng ra dọc các con phố đoàn tàu xuyên qua trắng những bì thư. Đấy là các bì thư của bộ đội trên đường hành quân vào Nam tranh thủ viết trên tàu ném xuống...

Lấy tiêu đề bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Bính đặt cho bài tạp văn này, có lẽ tôi bị tác động bởi âm hưởng của những gì một đất nước luôn phải chịu binh đao trận mạc.

Nhớ thương, chia ly là chủ đề nhà thơ thiên tài đặt vào cái sân ga, nơi đến và đi của những con tàu. Nơi đón và đưa của những người thân với những người thân. Sân ga trong bài thơ có thể là một cái ga bất kỳ cũng có thể đó là Ga Hà Nội. Chẳng quan trọng.

Năm 1972, đơn vị tân binh chúng tôi cũng từng lên tàu để đi về phương Nam từ sân ga này. Nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Và hình bóng của cái ngày xưa ấy còn trong tâm trí nhiều người lính đã may mắn được trở về.

Xa xưa Ga Hà Nội có tên cũ là Ga Hàng Cỏ. Xuất xứ của cái tên gọi rất dân dã này bởi đất của khu ga chính là một bãi bán cỏ ngựa của kinh thành cũ.

Ga Hà Nội hiện nay, nếu chỉ tính riêng diện tích cũng đã được mở mang lớn hơn rất nhiều. Dù vậy người Hà Nội vẫn hay dùng cái tên cũ, nhất là với lớp người lớn tuổi. Khi xây dựng nhà ga, người Pháp lần lượt cho làm các tuyến đường sắt nối Hà Nội với các khu vực quan trọng. Hải Phòng năm 1903. Lào Cai năm 1905, kế đó là Đồng Đăng, Quán Triều và quan trọng nhất là thông tuyến Bắc - Nam năm 1936.

Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, tuyến đường sắt này bị chia cắt nhiều đoạn và phải đến khi đất nước thống nhất năm 1975 thì sau đó tuyến Bắc - Nam mới được phục hồi đi vào hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Ga Hà Nội thực sự là trái tim của ngành đường sắt. Và trong suốt hơn một thế kỷ với nhiều thế hệ, không chỉ người Hà Nội, nhà ga là nơi ghi dấu ấn của những ký ức khó có thể quên.

Ga Hà Nội hôm nay.

Ga Hà Nội hôm nay.

Tôi còn nhớ như in khi lần đầu tiên được đi tàu hỏa về quê Phủ Lý. Lúc đó tôi lên 7 tuổi. Con tàu chợ ken chật người. Phải rất vất vả mẹ tôi mới đưa tôi vào được chỗ ngồi. Ghế gỗ ghép thanh, dọc theo chiều dài toa. Giữa hai hàng ghế, người ta trải nilon ngồi kín cùng thập cẩm các loại quang gánh, thúng mủng, túi xách, ba lô...

Tôi suýt soa sờ nắn thành ghế cứng và mân mê không biết chán tấm vé hình chữ nhật xinh xinh có bấm lỗ tròn ở thân trên vé. Bấy giờ mới biết chữ, tôi đánh vần một cách đầy sung sướng những con chữ trên vé được in rất nét và đẹp. Tôi giữ được khá lâu tấm vé đó. Nó chỉ thất lạc khi mấy năm sau xảy ra chiến tranh phá hoại, tôi phải về quê sơ tán.

Dạo chiến tranh, về đêm các đoàn tàu quân sự di chuyển qua ga Hà Nội. Sáng ra dọc các con phố đoàn tàu xuyên qua trắng những bì thư. Đấy là các bì thư của bộ đội trên đường hành quân vào Nam tranh thủ viết trên tàu ném xuống. Có thư dán tem và có thư không dán tem. Đa số là thư của bộ đội quê nội thành Hà Nội.

Người dân nhặt thư và chuyền nhau đưa hết không bỏ sót chiếc nào đến tận gia đình những người lính theo địa chỉ bì thư hoặc bỏ giúp vào thùng thư bưu điện. Chiến tranh, bom Mỹ đánh hủy diệt nhiều khu phố lân cận như Khâm Thiên, nhà ga cũng có thiệt hại, nhưng may mắn vẫn giữ được kiến trúc như xây dựng ban đầu.

Sau này qua xây dựng, cải tạo, Ga Hà Nội hiện đại mở rộng thêm nhà ga phía phố Trần Quý Cáp gọi là ga B thì mặt ga chính đường Lê Duẩn vẫn mang dáng dấp phong cách kiến trúc cũ.

Một thời Ga Hà Nội là điểm duy nhất duy trì nhịp sinh hoạt thâu đêm suốt sáng. Thời chiến không nói, thời bình cũng chả có nơi nào hàng quán lại mở liên tục như nơi bến tàu.

Thôi thì đủ loại. Xoàng thì một quán cóc chè chén với dăm cái ghế tự tạo nho nhỏ, ít cốc chén, ấm nước. Hàng hóa tùng tiệm, vài bao thuốc, lọ kẹo, phong bánh, cái điếu cày, ngọn đèn dầu tù mù để khách châm đóm hơn là chiếu sáng. Xôm hơn là quán ăn, cũng đủ cơm, phở, miến, xôi, bánh mỳ...

Dân Hà Nội đi chơi đêm về, nếu đói bụng, hay mò ra ga tìm đồ ăn. Cũng vì đặc điểm này mà nhà ga là nơi dồn tụ về đủ mọi loại người. Khách chờ tàu chả nói. Dân tứ chiếng, giang hồ, thậm chí là lưu manh trộm cắp, cũng tập trung nhiều về đây để hành nghề và tụ bạ. Gái điếm ở ga cũng sẵn. Các dịch vụ ăn theo cánh này tất nhiên phải có. Đến mức người ngay đâm ngại phải đến ga nếu không có việc. Rất dễ mang tiếng và chí ít nhận cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội.

Đi tàu một thời là cực hình nhưng vì đường sắt lúc đó là phương tiện chính nên mọi người phải chấp nhận. Kiếm được tấm vé tàu cũng khó khăn, nhiều khi phải mua vé chợ đen. Thế nên mới hình thành một đội quân phe vé và bán vé đã đi cho những ai muốn có tấm vé về cơ quan thanh toán. Thời khó khăn đó là thời bao cấp.

Đất nước đổi mới, các phương tiện vận tải khác như hàng không, vận tải ô tô chiếm thị phần thì đường sắt cũng có những cải tiến phát triển. Tàu chợ mất dần thay thế là các đội tàu nhanh, rồi tàu có ghế đệm, giường nằm, điều hòa nhiệt độ...

Đi tàu, tuy có chậm hơn máy bay, nhưng là phương tiện được không ít người chọn vì an toàn và tiện nghi cũng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên mấy năm gần đây, vận tải hành khách của ngành đường sắt đi xuống, dù Ga Hà Nội vẫn xứng là nhà ga hiện đại nhất cả nước.

Mới nhất tôi đi tàu hỏa từ Đà Nẵng về Hà Nội. Phải rất lâu rồi tôi mới lại sử dụng phương tiện này. Đi từ Đà Nẵng lúc chiều, sớm hôm sau tàu về đến ga. Một đêm nằm thoải mái, điều hòa mát rượi. Dịch vụ và vệ sinh trên tàu thì phải nói thật là không đáp ứng được với nhu cầu của ngày hôm nay. Cần phải có những thay đổi tích cực mới có thể thu hút được khách hàng.

Tàu xuyên qua phố phường lúc ban mai, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ngắm. Đường Giải Phóng, công viên Thống Nhất, barie chắn đường ngã tư Khâm Thiên, phố Lê Duẩn... Những hình ảnh quen thuộc, dù cảnh vật đã có những đổi khác. Tiếng phát thanh viên thông báo đoàn tàu về ga vang lên ấm áp dịu ngọt.

Thật thân thương cảm giác của một người đi xa trở về Hà Nội.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/nhung-bong-nguoi-tren-san-ga-37497.html.