Những ẩn số đứng sau sự tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh
Cập nhật lúc: 04/12/2019, 11:30
Cập nhật lúc: 04/12/2019, 11:30
Sở hữu vịnh di sản được ví von như thiên đường, nhưng cả thập kỷ trước, du lịch Quảng Ninh vẫn chỉ quanh quẩn với những loại hình thăm thú trên vịnh. Có vàng trong tay, nhưng vùng di sản có thể nói, vẫn chỉ sống nhờ… than.
Cú hích đưa Quảng Ninh lột xác thần tốc từ một địa phương có ngành du lịch thiếu và yếu về cơ sở vật chất hạ tầng và sản phẩm trở thành điểm đến du lịch sôi động bậc nhất cả nước, phải kể đến tầm nhìn và tư duy chiến lược của đội ngũ lãnh đạo tỉnh.
Từ năm 2014, Quảng Ninh đã hoàn thành xong 7 quy hoạch chiến lược từ cấp tỉnh đến cấp huyện, với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, để làm cơ sở, nền tảng triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.
Trong số 7 quy hoạch đó, quy hoạch về tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn BCG (Mỹ) tư vấn có thể nói là quan trọng bậc nhất. Quy hoạch này chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030: Quảng Ninh sẽ là một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế; một địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia; trung tâm công nghiệp văn hóa giải trí, nghỉ dưỡng; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc chuyên nghiệp chất lượng cao...
Đích đến đã rõ ràng, và chìa khóa được ông Nguyễn Văn Đọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó xác định là phải tìm cách hút được nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cởi nút thắt thể chế, phá bỏ tư duy quản lý, xây dựng nền hành chính phục vụ, một cuộc cách mạng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư đã diễn ra. Quảng Ninh không chỉ là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành công trong thu hút đầu tư tư nhân mà còn 2 năm liên tiếp (2017, 2018) đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).
Theo thống kê của tỉnh, từ năm 2014 - 2018, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt gần 45.000 tỷ đồng với 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm gần 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh huy động được gần 10 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở của tỉnh.
Sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, CEO… đã góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh, với hàng loạt các công trình động lực ở nhiều lĩnh vực.
Một trong những nhà đầu tư chiến lược tại Quảng Ninh là Sun Group đã song hành với tỉnh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển cả 3 đường “không - thủy - bộ” với các công trình điển hình gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam); tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cả những công trình giao thông quan trọng khác vẫn đang được triển khai như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Không chỉ có giao thông đồng bộ, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group đã thay đổi hẳn diện mạo của du lịch tỉnh. Những sản phẩm du lịch độc đáo mang xu thế của thế giới như nghỉ dưỡng đẳng cấp với những resort sang trọng như Sun Premier Village Halong, mua sắm sang trọng tại các shophouse như Sun Plaza Grand World Halong, vui chơi giải trí trong những tổ hợp đẳng cấp khu vực như Sun World Halong Complex... đã và đang được kiến tạo bởi Tập đoàn này đem đến cho Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung những sản phẩm và trải nghiệm du lịch mà miền Bắc Việt Nam đang thiếu thốn.
Năm 2013, Quảng Ninh mới chỉ đón 7,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng. Vậy mà chỉ trong 10 tháng năm 2019, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 14 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 29.500 tỉ đồng, cao gấp gần 6 lần so với năm 2013. Những con số này phần nào nói lên vị thế dẫn đầu của du lịch Quảng Ninh đang đến từ đâu.
Và dư địa phát triển của du lịch Quảng Ninh vẫn còn rất lớn. Nhiều năm tới, ngôi vương du lịch Việt được giới chuyên gia dự đoán sẽ vẫn thuộc về Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Sắp tới, Quảng Ninh sẽ nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào Hạ Long. Đó sẽ là một đô thị có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, sở hữu đa dạng di sản, kỳ quan từ vịnh Cửa Lục, địa hình đồi núi, núi đá trên vịnh và trên bờ, hệ thống 6 con sông và đặc biệt là khu bảo tồn công viên rừng 15.000 ha còn nguyên sơ, có giá trị sinh thái rất lớn để khai thác và phát triển du lịch. Kéo giãn không gian du lịch cũng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đêm với các sản phẩm du lịch vào ban đêm”.
Kết nối vùng và địa phương cũng sẽ nằm trong chiến lược phát triển của Quảng Ninh, khi một tuyến đường 10 làn xe nối ba thành phố Hạ Long - Hải Phòng và Hải Dương và thị xã Quảng Yên, Đông Triều sẽ được hoàn thiện. Trục này sẽ tạo ra không gian mới về quỹ đất để phát triển kinh tế, dịch vụ biển và đặc biệt có ý nghĩa để khai thác vùng du lịch tuyến phía Tây gồm: Đông Triều, Quảng Yên và Uông Bí. Tại đó, du lịch văn hoá tâm linh sẽ là trọng điểm Quốc gia.
Ông Ký cũng kỳ vọng việc khu suối khoáng nóng của Tập đoàn Sun Group được làm theo tiêu chuẩn của Nhật sắp khai trương, du lịch sinh thái ở Hoành Bồ và sắp tới tỉnh sẽ đăng cai nhiều sự kiện lớn và tổ chức thêm nhiều lễ hội cũng sẽ thu hút thêm khách du lịch. Chiến lược liên kết du lịch, mở rộng không gian du lịch đã được bắt đầu từ Sân bay Vân Đồn khi hãng hàng không, hãng tàu biển, các tập đoàn lớn, các khách sạn và cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, mua sắm... bắt tay để tung ra các gói sản phẩm chất lượng cao.
Những hé lộ của vị Bí thư tỉnh ủy về nhiều “con át chủ bài” mới của ngành du lịch tỉnh đang khắc họa một Quảng Ninh thậm chí còn thăng hoa hơn nữa trong thời gian tới.
15:00, 02/12/2019
06:00, 04/10/2019
13:57, 30/09/2019