19/03/2024 | 11:35 GMT+7, Hà Nội

Nhu cầu căn hộ giá rẻ vẫn rất lớn, nhưng một số dự án vẫn "ế "

Cập nhật lúc: 18/11/2019, 18:30

Chung cư thương mại hoặc nhà ở xã hội nằm ở vùng ven Hà Nội vài năm nay không bán hết hàng do hạ tầng và giá bán chưa hợp lý.

Theo Vnexpress, mở bán lần đầu từ năm 2016, nhưng 448 căn hộ 2-3 phòng ngủ tại một dự án thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đến nay vẫn chưa giao dịch hết dù được quảng cáo "giá bán hợp lý". Với giá bán từ 600 triệu đến 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ trả góp 15 năm, chủ đầu tư còn tung chương trình chiết khấu xấp xỉ cả trăm triệu đồng, miễn lãi suất 1,5 năm... Tuy nhiên, dự án dù đã bàn giao xong vẫn còn tồn hàng trăm căn hộ.

Một môi giới đang bán hàng tại dự án này cho biết, khách hàng đa số chê xa, không thuận tiện giao thông. "Nhiều khách sau khi đi thăm dự án, cuối cùng lại quyết định mua đất thổ cư bởi với số tiền đó họ có nhiều lựa chọn", môi giới này nói.

Xa trung tâm, thiếu hạ tầng khiến các dự án nhà chung cư ế ẩm.

Ở Hoài Đức, toà chung cư hơn 500 căn hộ thuộc tổ hợp một dự án mở bán hơn 2 năm cũng vẫn còn gần 200 căn. Gần đây, để bán hàng, một số nhân viên kinh doanh còn quảng cáo dưới dạng bán suất ngoại giao, cắt lỗ nhằm thu hút khách. Các chương trình khuyến mại, tặng nội thất, dịch vụ gần đây cũng được chủ đầu tư tung ra để khôi phục hoạt động bán hàng sau nửa năm giao dịch giảm sút, việc bán hàng vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Báo Hà Nội mới, không chỉ các căn hộ thương mại, một số dự án nhà ở xã hội khác cũng khó thu hút được khách, như: Dự án Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) trải qua 15 lần thông báo nhận hồ sơ, đăng ký thuê, nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy mới đạt 50%; dự án nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư Đông Hội (huyện Đông Anh) qua 4 lần thông báo nhận hồ sơ, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt hơn 30%; Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức) qua 8 lần thông báo, tỷ lệ lấp đầy cũng mới đạt hơn 40%... Tương tự, dự án nhà xã hội tại Phú Lãm, Hà Đông bắt đầu mở bán cách đây 5 năm. Với giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2, mỗi căn hộ tại đây khoảng 670 triệu đồng, song đến nay vẫn còn hàng trăm căn hộ chưa bán hết.

  • Hải Phòng sắp triển khai dự án nhà ở xã hội rộng 30.000 m2 ở huyện An Dương

  • Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội

  • Nhà ở xã hội mới đáp ứng được 33% nhu cầu

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội đang có một nghịch lý là nhu cầu với căn hộ giá rẻ vẫn rất lớn, song một số dự án vẫn ế sau nhiều lần mở bán. Theo ông, tình trạng này xuất phát từ việc một số chủ đầu tư chưa tính toán kỹ về phân khúc sản phẩm và giá bán. Ông cho rằng hiện quỹ đất thổ cư lớn nên mức giá bán như trên khó hấp dẫn được người mua.

"Những dự án ở xa trung tâm, nếu xây nhà chung cư và giá bán không tính toán kỹ để cạnh tranh được với đất thổ cư sẽ rất khó cán đích. Hạ tầng những khu vực này còn hạn chế, việc đưa ra một mức giá và sản phẩm để khách hàng làm việc trong nội thành chấp nhận mua xa và xuống tiền sẽ càng khó hơn", ông Toản nói. Do đó, chuyên gia này cho rằng một số dự án nhà ở xã hội đang rục rịch hoặc mới triển khai ở địa bàn Thanh Trì, Mê Linh... với giá bán 8-10 triệu đồng mỗi m2 cũng có thể sẽ gặp thách thức tương tự.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thị trường BĐS vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý, đó là: Lượng tồn kho BĐS vẫn còn khá lớn (còn khoảng 22.976 tỷ đồng) tập trung ở các dự án nằm ở xa trung tâm các đô thị, hạ tầng hầu như chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp hiện nay đang dư thừa, trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mà thị trường đang cần nhiều.

"Nhìn tổng thể, thị trường BĐS đang phát triển theo hướng bền vững song cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có các giải pháp ứng xử kịp thời, nhằm đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững", ông Sinh nói.