23/11/2024 | 06:51 GMT+7, Hà Nội

Nhìn tấm vải, “đo” lòng cô gái Thái

Cập nhật lúc: 05/02/2019, 09:00

Dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) đã đi qua thời hoàng kim nhưng nhiều đời nay, người Thái vẫn coi thêu thùa, dệt vải là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo của người con gái. Quan niệm, con gái Thái phải biết xe sợi, dệt vải là thước đo chuẩn mực, tiêu chí chọn vợ của các chàng trai Thái vẫn còn tồn tại.

  Chị Hà Thị Vinh đang dệt cạp váy theo đơn đặt hàng của một cô gái chuẩn bị làm cô dâu

Chị Hà Thị Vinh đang dệt cạp váy theo đơn đặt hàng của một cô gái chuẩn bị làm cô dâu

Con gái Thái lên 8 - 9 tuổi là biết xe sợi, dệt vải

Hằng năm cứ đến ngày giáp Tết là hầu hết phụ nữ người Thái lại miệt mài dệt vải, dệt váy, làm khăn, làm đệm cho ngày cưới, cho con gái lấy chồng … Nhưng đến làng Ban - làng nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm của xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) vào những ngày này đã thưa vắng tiếng khung cửi kẽo kẹt. Chỉ còn lác đác vài nơi nghe văng vẳng tiếng khung cửi chậm rãi của các mẹ, các chị vẫn trân quý nghề cha ông đến vô cùng.

Biết dệt vải là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự đức hạnh, khéo léo, nhẫn nại của người con gái. Quan niệm, con gái Thái phải biết xe sợi, dệt vải là thước đo chuẩn mực, tiêu chí chọn vợ của các chàng trai. Vì vậy, con gái đến tuổi “bắt chồng” phải biết lên nương gieo hạt, về nhà dệt vải.

Thổ cẩm do các cô gái dệt, cũng chính là tài sản, là của hồi môn đem về nhà chồng. Đến nhà ai mà có tiếng kẽo kẹt của khung cửi cất lên từ bàn chân đạp khung cửi của một cô gái vẫn là tiếng dễ đi vào lòng của các chàng trai nhất. Bởi thế mà con gái Thái lên 8 - 9 tuổi, đã bắt đầu đi nhặt bông trên nương, kéo sợi thành thạo, có xa riêng. Trẻ em được người lớn dạy cho cách dệt vải từ hoa văn đơn giản đến phức tạp. Bà dạy cháu, mẹ dạy con, chị dạy em…

 Chị Lò Thị Biền đang miệt mài căng sợi lên khung cửi

Chị Lò Thị Biền đang miệt mài căng sợi lên khung cửi

Để có bộ trang phục dân tộc đẹp, phụ nữ Thái phải rất dày công vừa đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, vừa phải tinh tế và khiếu thẩm mỹ. Có thành phẩm là một tấm vải thổ cẩm truyền thống qua rất nhiều công đoạn, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu, tạo hoa văn và cuối cùng là dệt. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chế màu, nhuộm sợi được pha chế chưng cất từ lá, rễ, hoa, củ... của rất nhiều loại cây rừng. Trước khi ngồi dệt phải qua nhiều bước, căng sợi lên khung, chọn màu theo hoa văn định trước và cuối cùng là dệt. Tất cả đều đòi hỏi người người phụ nữ sự cần mẫn khéo léo, nhanh tay lẹ mắt và hơn thế có con mắt thẩm mỹ tinh tế mới có được những tấm thổ cẩm đặc sắc, như ý.

Chị Lò Thị Biền (ở làng Ban) vẫn gắn mình với khung cửi từ thời con gái chia sẻ: “Ai phải yêu nghề của cha ông lắm mới giữ khung cửi đến ngày nay. Trước đây, khi về nhà chồng, mỗi cô gái thường dành tặng bố mẹ chồng những bộ chăn đệm đẹp nhất tự tay mình dệt để tỏ lòng kính trọng. Đây cũng là cách “khoe khéo” với nhà chồng về sự đảm đang, khéo léo, nhẫn nại của cô dâu mới. Qua thời gian quan niệm xưa cũng có nhiều đổi khác nhưng tôi sẽ mãi theo nghề và không ngừng sáng tạo hoa văn. Bởi sản phẩm tôi làm vẫn rất nhiều người thích, làm đến đâu hết đến đó hoặc do được đặt trước nữa. Con gái về nhà chồng không dệt vải, làm chăn nữa thì họ đặt tôi làm. Cảm giác nghĩ mình đang làm của hồi môn cho các cô gái Thái đi lấy chồng cũng rất vui”.

Gửi gắm tình cảm vào từng sản phẩm

 Chị Hà Thị Vinh và số đệm lau chờ bán

Chị Hà Thị Vinh và số đệm lau chờ bán

Theo chị Hà Thị Vinh (ở làng Ban), trước đây con gái Thái cứ khoảng 10 tuổi là được mẹ dạy cho nghề dệt. Tấm thổ cẩm dệt lên xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự khéo léo và khả năng sáng tạo của mỗi người. Nhìn màu sắc, hoa văn sẽ biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn, dệt cạp váy... cô gái đó có nghĩ tới ai, đang mong mỏi việc gì? Vì tất cả nó sẽ hiện lên trong từng hoa văn, đường nét của mỗi thớ vải được tạo hình.

Con gái Thái tài hoa là người có thể gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận thế giới tự nhiên vào từng sản phẩm thổ cẩm do mình tạo ra. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ, hình ảnh con rồng, con phượng, chim, cá hiện lên sinh động, sắc nét trên từng miếng vải. Nguyên liệu chủ đạo để làm nên chiếc váy, áo, khăn được sử dụng trong thiên nhiên như bông, lanh rừng. Sau khi phơi khô, chúng được đánh cho tơi xốp rồi kéo thành sợi. Để tạo ra một sản phẩm tinh xảo, kỳ công, đòi hỏi độ chính xác, tỉ mỉ cao nên nói nhìn thành phẩm thổ cẩm hiện lên hình ảnh người con gái tạo ra nó quả không ngoa.

“Phụ nữ Thái, ban ngày đi làm nương, làm rẫy đêm đến lại miệt mài bên khung cửi. Từ trang phục, chăn gối, đệm, túi xách và các vật dụng cá nhân đều do chị em tự thêu dệt. Qua thời gian nhiều người không còn miệt mài bên khung cửi mà chọn cho mình những nghề có nhịp sống nhanh và hiệu quả kinh tế hơn. Nhưng việc chuẩn bị quần áo, chăn, gối cho con gái về nhà chồng vẫn được lưu giữ qua thời gian, nên những mẹ, những chị giữ nghề truyền thống vẫn còn cơ hội gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Bây giờ mà bỏ nghề thì tiếc lắm vì nó là một phần của con người tôi rồi”, chị Vinh chia sẻ.

Theo chị Vinh, nghề dệt thổ cẩm chỉ làm tranh thủ. Bình quân mỗi tháng, chị dệt được khoảng 2 mặt chăn bán cho những gia đình có nhu cầu. Tùy theo họa tiết, hoa văn, mỗi mặt chăn có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/chiếc. Nếu dành nhiều thời gian hơn thì một mặt chăn tùy từng hoa văn đơn giản hay phức tạp mà có thể hoàn thiện trong 3 đến 7 ngày/chiếc.

Hiện nay, ở nhiều xã như Hồi Xuân, Phú Nghiêm, Xuân Phú... vẫn còn khá nhiều những phụ nữ, người già dệt vải lúc nông nhàn, khi nhà có việc cần đến hoặc mỗi dịp Tết đến xuân về muốn tự tay dệt cho mình chiếc khăn, cái váy theo ý muốn.

Điều khiến những người yêu và giữ nghề truyền thống trăn trở là phần lớn các loại nguyên liệu để dệt đều phải thay thế bằng sợi hoặc len công nghiệp. Bởi hiện nay, nơi này không còn trồng những cánh đồng trồng bông. Sợi mua từ chợ về dệt rất khó bắt màu nhuộm, rất khác sợi xe từ bông do gia đình tự trồng trước đây.

Bà Phạm Thị Lịch, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Hóa chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm từng rộn ràng trở lại khi địa phương thực hiện Dự án phát triển vùng miền núi 30a, do được đầu tư vốn, thị trường, số lượng người tham gia dệt rất đông. Khi dự án kết thúc, người dệt cũng thưa đi, số lượng khung cửi từ đó cũng ít hẳn. Nhưng một điều đáng mừng là những phụ nữ vẫn đang sống bằng nghề dệt thổ cẩm đều là những người thợ tài hoa khéo léo.

Được biết, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, huyện Quan Hóa đã có kế hoạch lưu giữ, khôi phục nghề trồng bông. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái đã được bày bán tại một số hộ làm dịch vụ du lịch phục vụ khách hàng đến tham quan tại điểm du lịch Pù Luông góp phần quảng bá, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Cùng với đó, huyện Quan Hóa đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề dệt thủ công truyền thống kết hợp sử dụng máy dệt trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Dẫu thời hoàng kim nhà nhà dệt thổ cẩm không còn và nhiều khó khăn để duy trì nghề truyền thống nhưng với những tín hiệu hồi sinh dệt thổ cẩm bằng máy đầy hứa hẹn. Nghề dệt thổ cẩm sẽ không bao giờ lụy tàn, bởi nó không chỉ đơn thuần là sản xuất kinh tế, làm trang phục hàng ngày mà cao hơn đó là cốt cách, tâm hồn, tập quán và nét văn hóa đặc sắc của vùng núi rừng nơi miền Tây xứ Thanh.

Qua thời gian nhiều người không còn miệt mài bên khung cửi mà chọn cho mình những nghề có nhịp sống nhanh và hiệu quả kinh tế hơn. Nhưng việc chuẩn bị quần áo, chăn, gối cho con gái về nhà chồng vẫn được lưu giữ qua thời gian...”

Chị Hà Thị Vinh chia sẻ.

 

Mai Hạnh - Ngọc Anh