Nhìn lại thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
Cập nhật lúc: 13/02/2019, 20:11
Cập nhật lúc: 13/02/2019, 20:11
Bộ Công thương cho hay, thị trường Tết Nguyên đán năm nay diễn biến ổn định (Ảnh minh họa)
Một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán phải kể đến mặt hàng gạo. Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, từ cuối tháng 11 năm 2018, doanh nghiệp và tiểu thương đã chủ động chuẩn bị nguồn cung gạo phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, sức mua chỉ thực sự tăng từ sau ngày 23 tháng Chạp (tức là ngày 28 tháng 1 dương lịch).
Nhìn chung nguồn cung năm nay tương đối dồi dào, người dân tiếp tục xu hướng chuyển sang dùng gạo chất lượng cao như Séng Cù, Tám thơm, Nàng thơm chợ Đào, Bắc Hương... Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Ước giá gạo tẻ chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 2.000 đ/kg, tuỳ loại và địa phương. Giá gạo nếp cũng có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường và tăng khoảng 2.000 – 2.500 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, một số địa phương như Cao Bằng, Sóc Trăng, Đồng Nai… đã có kế hoạch đưa mặt hàng gạo thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường với giá bán ổn định và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10% so với giá thị trường. Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo cho thị trường trong dịp Tết còn được bổ sung từ việc thu hoạch sớm vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam nên nguồn cung gạo các loại tương đối dồi dào, thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra thị trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hoá trong đó có mặt hàng gạo. Vấn đề an toàn thực phẩm được tập trung thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá phục vụ người tiêu dùng.
Năm nay, một số công ty kinh doanh mặt hàng gạo đã triển khai đưa một số loại gạo tẻ cao cấp như Jasmine organic ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù giá bán tương đối cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng theo đánh giá, số lượng tiêu thụ khá tốt và phù hợp với thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng.
Bộ Công thương dự báo, những ngày sau Tết Nguyên đán, do tồn kho tại các Tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá thóc, gạo nguyên liệu nội địa ổn định hoặc giảm nhẹ, giá các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao ổn định.
“Thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Kỷ Hợi 2019 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán liên tục được đảm bảo, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý” – báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ.
Đối với mặt hàng thịt lợn, mặt hàng có biến động nhiều trong năm 2018, mặc dù giá đã có xu hướng giảm trong 2 tháng cuối năm 2018, tuy nhiên, sang đầu năm 2019, giá thịt lợn lại tăng mạnh trở lại đến những ngày sát Tết do nhu cầu cho chế biến và tiêu dùng tăng, chi phí sản xuất (giống, vật tư) tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Công thương, nguồn cung mặt hàng thịt lợn năm nay được cung cấp bởi những doanh nghiệp hoặc các trang trại gia công chiếm tỷ lệ cao hơn so với những năm trước, có những địa phương nguồn cung từ các doanh nghiệp lên đến 80-90%. Giá thịt lợn các loại tại các tỉnh miền Bắc thấp hơn so với các tỉnh miền Trung và miền Nam. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi cao hơn từ 25 – 30% trong khi giá thịt lợn thành phẩm chỉ cao hơn từ 7 – 15%.
Giá các sản phẩm thịt bò và thịt gà ổn định trong suốt cả năm 2018 và bắt đầu tăng vào cuối tháng 1 năm 2019, đặc biệt từ những ngày gần Tết (từ 23 Tết) nhưng mức tăng không lớn do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống vào ngày 30 Tết. Hiện giá các sản phẩm này phổ biến ở mức: Thịt bò thăn có giá dao động từ 280.000 đồng -300.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn có giá 140.000 - 160.000 đồng/kg, Tôm sú (26-30 con/kg) có giá dao động từ 450.000 - 600.000 đồng/kg
Sau Tết Nguyên đán, do hàng hóa còn tồn kho nên các mặt hàng sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ (Ảnh minh họa)
Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Riêng giá một số loại rau vụ đông (xu hào, cà chua, súp-lơ, cải bắp...), giá một số loại rau gia vị nguồn cung dồi dào nên giá chỉ tăng nhẹ so với trước Tết và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-20%. Đối với một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5- 8% như bưởi diễn, cam canh...
Bộ Công thương cho hay, thị trường Tết Nguyên đán năm nay diễn biến ổn định, không có biến động về giá, không có tình trạng khan hàng, đẩy giá. Liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, Bộ này cho biết, ngay từ trước Tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai các đoàn làm việc, đôn đốc công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường duy trì theo dõi sát báo cáo tình hình thị trường từ các địa phương trong suốt thời gian trước và trong Tết, đặc biệt, quan tâm đến diễn biến cung cầu, giá cả hàng hoá thiết yếu; tình hình vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ…
Ngay thời điểm sát Tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp tổ chức đồng loạt triển khai 5 Đoàn công tác đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại một số địa bàn trọng điểm gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, An Giang, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ.... Từ đó đã góp phần hạn chế buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả.
07:21, 05/02/2019
01:21, 02/02/2019
11:51, 25/01/2019
18:10, 21/01/2019