19/01/2025 | 02:18 GMT+7, Hà Nội

Nhiều siêu thị tại Hà Nội lập lờ trong cách ghi nhãn hàng hóa

Cập nhật lúc: 07/08/2019, 05:01

Quy định về ghi nhãn hàng hóa đã có từ lâu, nhưng ở nhiều đơn vị bán hàng, vấn đề này lại bị “phớt lờ” bấp chấp sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Thông tin về sản phẩm đều bị in thiếu hoặc không rõ ràng

Luật pháp đã quy định rõ ràng về việc dán nhãn hàng hóa lên sản phẩm để nhằm mục đích cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm, để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hàng hóa; đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát sản phẩm, hàng hóa.

Quy định là vậy, nhưng theo khảo sát của PV, hiện nay, nhiều đơn vị bán hàng tại Hà Nội vẫn ngang nhiên không thực hiện đúng quy định, lập lờ trong việc đưa thiếu thông tin khiến khách hàng có một cái nhìn khác về sản phẩm, một cái nhìn không đúng thực sự về bản chất sản phẩm để rồi mua phải hàng hóa không ưng ý.

Cụ thể, tại các hệ thống siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội như MediaMart, Nguyễn Kim, Pico, Trần Anh,… PV khảo sát thấy các thông tin về sản phẩm được bầy bán tại các siêu thị này đều bị in thiếu hoặc không rõ ràng.

Ví dụ, tại MediaMart Nguyễn Chí Thanh, chiếc laptop Dell Vostro chỉ ghi model, tính năng nổi bật cấu hình, kiểu dáng, bảo hành, giá tiền. Trong khi, thông tin xuất xứ, nơi sản xuất, đơn vị nào nhập khẩu,… lại chỉ có hai chữ “chính hãng” và được bảo hành 12 tháng. Thông tin việc mua bán trả góp, lãi xuất bao nhiêu %, trả trước bao tiền, góp mỗi tháng như thế nào và tổng gốc + lãi ra sao thì lại được siêu thị này in rất chi tiết, cụ thể, từng con số và số tiền.

 Xuất xứ sản phẩm chỉ được MediaMart ghi 2 chữ

 Xuất xứ sản phẩm chỉ được MediaMart ghi 2 chữ "chính hãng".

Còn với chiếc tivi Sony 49 inch với giá 20,9 triệu đồng, thông tin về tính năng, giá tiền đều được ghi đầy đủ, nhưng xuất xứ lại chỉ viết Malaysia và bảo hành 12 tháng. Như vậy, theo quy định ghi nhãn hàng hóa thì tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa cụ thể tại đâu, nhà máy nào, công ty nào nhập khẩu về thì khách không hề biết.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở MediaMart mà nó xảy ra với tất cả các sản phẩm và các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như Pico, Nguyễn Kim, HC… Không những thế, các thông tin mà khách hàng dễ nhìn thấy nhất là tên sản phẩm, giá tiền, khuyến mãi được in chữ to, đậm, bắt mắt và rất nổi. Thông tin cụ thể về đơn vị sản xuất, địa chỉ; đơn vị nhập khẩu, địa chỉ… thì lại in chữ nhỏ, khó đọc, nhiều khi thông tin này còn bị bỏ qua.

Khi PV hỏi nhân viên bán hàng ở các siêu thị này lý do vì sao in thiếu thông tin thì đều nhận được câu trả lời như sau: “Bên em đã ghi đủ thông tin rồi, nếu chị muốn biết cụ thể thông tin gì thì em tư vấn thêm”. Như vậy, thay vì in đủ thông tin theo quy định thì các đơn vị này lại tung hỏa mù đánh lạc hướng khách hàng tới những thông tin có lợi cho họ.

 Giá tiền, khuyến mãi là những thông tin được đơn vị bán hàng in nổi bật, còn xuất xứ, tính năng thì in chữ rất nhỏ.

 Giá tiền, khuyến mãi là những thông tin được đơn vị bán hàng in nổi bật, còn xuất xứ, tính năng thì in chữ rất nhỏ.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, nhiều đơn vị in nơi xuất xứ, nhà sản xuất rất bé, điều này sẽ khiến người tiêu dùng hiểu lầm, nhất là người lớn tuổi đi mua hàng, họ không thể nhìn rõ được hết các thông tin nếu chữ quá nhỏ.

Quy định về dán tem nhãn hàng hóa, nhất là tem nhập ngoại phải có đầy đủ tiếng Việt, đầy đủ theo tiêu chí của Bộ Công thương và các cơ quan khác. Quy định thì đầy đủ, chi tiết nhưng quan trọng trong quá trình thực hiện, các đơn vị bán hàng dán không đầy đủ hoặc biến tấu đi. Nguy ngại nhất là dán vậy nhưng có đúng như thế không. Ví dụ, dán tem nhập từ Châu Âu, nhưng thực chất lại nhập từ Trung Quốc, Việt Nam… như vậy khác gì tem nọ, hàng kia, không đúng với xuất xứ của nó”, ông Phú nói.

"Có khi đến Bộ trưởng đi mua còn gặp phải hàng giả"

Thời gian qua, tình trạng in nhãn dán hàng hóa thiếu thông tin đang xảy ra một cách phổ biến, công khai và ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng. Điều này được được chính ông Nguyễn Tiến Dũng, Luật sư - giảng viên khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định. Tem mác được quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn luật của Việt Nam. Đối với các đơn vị dán tem mác không đầy đủ chính là vi phạm luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, vi phạm trong vấn đề quảng cáo, cung cấp thông tin, sản phẩm sai sự thật.

Cụ thể, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn dán hàng hóa có quy định như sau: Điều 34 - Hành vi vi phạm về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trưng bày, giới thiệu hàng hóa không có nhãn hàng hóa hoặc có nhãn hàng hóa không đúng quy định.

Điều 47. Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nếu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với bên thứ ba có một trong các hành vi vi phạm sau đây về cung cấp thông tin của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nếu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp theo quy định.

 Đây là nhãn dán hàng hóa mà Luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho rằng được in đầy đủ theo quy định của pháp luật.

 Đây là nhãn dán hàng hóa mà Luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho rằng được in đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Dũng, khi cung cấp thông tin sai sự thật có nghĩa là doanh nghiệp khiến khách hàng có một cái nhìn khác về sản phẩm, một cái nhìn không đúng thực sự về bản chất sản phẩm và người bán hàng sẽ thường nói quá về công năng, chức năng, tính năng của sản phẩm nhiều lên so với sản phẩm hiện tại. Họ đang vô hình chung đưa cho khách hàng hiểu, nhìn nhận sai về sản phẩm nhằm mục đích bán được sản phẩm đó với số lượng lớn. Đó là một trong những manh nha, dấu hiệu lừa đảo khách hàng trong vấn đề về cung cấp thông tin.

Sản phẩm có chất lượng kém nhưng người bán thổi phồng lên thành sản phẩm tốt, đó là hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc cung cấp thông tin sai về sản phẩm còn dẫn tới nhiều hệ quả xấu. Đầu tiên, người bán không làm tròn vai trò và trách nhiệm của người bán hàng, họ đang bán hàng gian dối. Thứ hai, khiến cho khách hàng nhìn nhận sai về thông tin cụ thể của sản phẩm, như vậy họ đang cố tình lừa dối khách hàng trong vấn đề xác định giá trị sản phẩm, từ đó bán giá cao hơn, số lượng nhiều hơn”, ông Dũng nói.

Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện nay, người tiêu dùng khó nhận biết được hàng thật giả, ngay đến những chuyên gia cũng bị dính mua phải hàng giả. Điều này cần phải được khắc phục vì thị trường rất lộn xộn, nhất là hàng hóa vào Việt Nam từ rất nhiều nguồn, nhiều công ty, hợp pháp và bất hợp pháp cho nên đòi hỏi kỷ luật thị trường và quản lý Nhà nước phải chuẩn hóa. Cửa hàng điện máy nào cũng phải như nhau và kỷ luật thị trường phải nghiêm để giảm bớt được tình trạng trên, nếu không người tiêu dùng sẽ phải chịu hậu quả.

Không những vậy, việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng trầm trọng, nhất là đối với hàng điện máy thường có giá trị cao. Tủ lạnh, ti vi thường có giá từ vài triệu tới vài chục triệu chứ có phải mớ rau, con cá ngoài chợ dân sinh đâu?

Việc dán tem mác không đầy đủ thông tin thì người kinh doanh sẽ được lợi nếu họ có ý đồ xấu và tất nhiên người chịu thiệt sẽ là người tiêu dùng. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, vì nhiều khách hàng còn bị hành khi bảo hành sản phẩm. Khi trục trặc gì đó thì rất gay, trừ một số đơn vị có trung tâm bảo hành uy tín thì mới đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng. Mua xong khi có vấn đề trục trặc thì bảo hành rất khó”, chuyên gia Phú nói.

Ông Phú cũng chia sẻ rằng, chính bản thân ông đi mua hàng còn sợ, vì hàng hóa bên ngoài ghi nhãn mác một kiểu nhưng bên trong lõi lại khác.

Người dân phải tỉnh táo và cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng, chứ đừng chỉ khuyên người tiêu dùng phải thông thái, vì có khi đến Bộ trưởng đi mua còn gặp phải hàng giả”, chuyên gia Phú cho biết thêm.