19/01/2025 | 10:11 GMT+7, Hà Nội

Nhiều nội dung mới tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng

Cập nhật lúc: 13/02/2023, 09:42

Nghị định 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm tới tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) có nhiều nội dung mới tác động tích cực, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho các TCTD;...

Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng
Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm tới tất cả các TCTD, từ hội sở chính đến chi nhánh của các TCTD trên toàn quốc.

Theo đó, Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để TCTD đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng.

Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay. Trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký giao dịch bảo đảm đã được không ngừng hoàn thiện và đã hướng dần theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta, cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, với rất nhiều nội dung tiến bộ… đã tác động tích cực đến hoạt động cấp tín dụng, nhận bảo đảm, góp phần bảo vệ quyền lợi của các TCTD và là cơ sở, công cụ hiệu quả để các TCTD thu hồi nợ vay thông qua việc thực hiện quyền xử lý đối với tài sản bảo đảm của khách hàng vay/bên bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP và thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền (trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản; văn phòng đăng ký đất đai) cho thấy vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành.

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đồng thời để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, bao quát được sự thay đổi trong quy định của pháp luật liên quan, việc xây dựng và ban hành nghị định thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Sau thời gian nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, trong đó VNBA và các TCTD đã rất tích cực, chủ động, bám sát các nội dung quy định liên quan đến ngân hàng để tham gia góp ý nhiều vòng, ngay từ khi bắt đầu soạn thảo đến trước khi Nghị định được trình Chính phủ ban hành đã giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện nghị định phù hợp thực tiễn hoạt động của các TCTD hiện nay.

Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2023) thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các TCTD, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm, như: Quy định cụ thể đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; quy định tư cách của chủ DN tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các TCTD; quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng…

Để giúp các TCTD triển khai đúng, hiệu quả Nghị định trên, qua đó phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo thuận lợi trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phổ biến các nội dung của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP tới tất cả các TCTD, từ hội sở chính đến chi nhánh của các TCTD hội viên trên toàn quốc nhằm thống nhất triển khai thực hiện Nghị định.

Bà Phạm Thị Thịnh, đại diện Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, các nội dung TCTD cần lưu ý liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sau đó, các TCTD, đại diện các bộ, ngành trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, những vẫn đề cần làm rõ tại Nghị định để các TCTD nắm rõ và tổ chức triển khai đúng quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-noi-dung-moi-thao-go-kho-khan-cho-cac-to-chuc-tin-dung-322556.html