23/11/2024 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Nhiều ngân hàng gia tăng bán đấu giá các khoản nợ, hệ thống đối mặt với nguy cơ nợ xấu

Cập nhật lúc: 23/06/2023, 19:26

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - ông Võ Đại Lược, ngành ngân hàng của Việt Nam đang đối mặt vấn đề lớn là nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồ

Ngân hàng rầm rộ rao bán tài sản

Nửa đầu tháng 6, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có cả chục thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua.

Mới nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng vừa rao nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi. Ảnh minh họa
Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi. Ảnh minh họa

Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum...

Hồi tháng 5, BIDV đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo bán hàng loạt khoản nợ vài trăm đến nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.

Cụ thể, nhà băng này đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.

Sacombank cũng tiếp tục thông báo bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo nguyên trạng.

Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.

Khoản nợ nêu trên phát sinh tại Sacombank và đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. Giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.

Nợ xấu nhe nhóm, đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống

Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú lưu ý: Nợ xấu do yếu tố khách quan đang "nhe nhóm" tại một số ngân hàng.

"Có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhe nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - ông Võ Đại Lược, ngành ngân hàng của Việt Nam đang đối mặt vấn đề lớn là nợ xấu. Nhiều ngân hàng đã gia tăng bán đấu giá các khoản nợ để thu hồi.

“Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Rất nhiều khoản nợ đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại đóng băng khiến tài sản bán đi bán lại không ai mua”, ông Lược nói.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ;

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành ngân hàng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-ngan-hang-gia-tang-ban-dau-gia-cac-khoan-no-he-thong-doi-mat-voi-nguy-co-no-xau-78431.html