20/01/2025 | 02:02 GMT+7, Hà Nội

Nhiều học sinh, sinh viên được BHYT thanh toán trên 500 triệu đồng/đợt điều trị

Cập nhật lúc: 01/09/2019, 11:30

Từ ngày 1-7-2018 đến ngày 31-7-2019 trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của đối tượng HSSV có 8.288.343 lượt khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán (BHTT) là 2.399 tỷ đồng.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT.

Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều. Bên cạnh đó, điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có con em là HSSV còn khó khăn, không có tiền mua BHYT. Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Nhiều HSSV, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Chỉ có học sinh tại các trường phổ thông tham gia tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HSSV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT.

Hoạt động y tế tại các trường học đạt hiệu quả chưa cao, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có đủ điều kiện theo quy định để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu; các trường còn lúng túng trong quản lý và sử dụng số kinh phí được trích chuyển tại nhà trường.

Đồng thời, việc sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu không hiệu quả, phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích, ốm đau tại nhà trường đều thông báo cho gia đình hoặc người thân đến để đưa đi bệnh viện do nhà trường không xử lý được. Đáng nói là mặc dù có thẻ BHYT nhưng người tham gia BHYT nói chung và HSSV nói riêng vẫn phải chi trả từ tiền túi rất nhiều khi đi khám chữa bệnh.

Từ thực tế này, BHXH Việt Nam đề xuất giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh; sử dụng có hiệu quả, đúng quy định đối với kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu…

BHXH cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh sinh viên ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Cùng với đó, kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT.

Theo số liệu thống kê tính từ ngày 1-7-2018 đến ngày 31-7-2019 trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của đối tượng HSSV có 8.288.343 lượt khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán (BHTT) là 2.399 tỷ đồng.

Trong đó, có 512 lượt thẻ học sinh được chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên; 499 lượt khám chữa bệnh, chi phí từ 100-500 triệu đồng/đợt điều trị; có 13 lượt khám chữa bệnh, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân có chi phí cho BHYT trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.